“Có trách nhiệm với cộng đồng mới có thể phát triển bền vững"

Sinh năm 1964, xuất thân từ kỹ sư chế tạo máy, sau thành chuyên gia cấp thoát nước và dăm năm trở lại đây, Nguyễn Quang Huân, Tổng GĐ Cty Cổ phần Phát triển hạ tầng Thăng Long (Infra-Thanglong) trở thành một trong những doanh nhân hàng đầu của Việt Nam trong việc liên danh với các chuyên gia tư vấn nước ngoài để cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các dự án vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Vậy đâu là bí quyết của việc thành công? Nhân dịp hội nghị ADB đang diễn ra tại Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ vị TGĐ này.

Thưa ông, Việt Nam mở cửa hội nhập đã lâu, nhưng việc liên danh với nước ngoài của  các doanh nghiệp Việt Nam để cùng làm ăn còn khá hạn chế, có rất nhiều doanh nghiệp đã đổ bể, trong khi đó Infra-Thanglong của ông thì  khá thành công, bí quyết  của ông là gì?

- Trước hết anh phải làm cách nào đó để cho đối tác hiểu và biết về anh. Tức là hãy cho người ta biết anh đã làm được những gì, ở đâu, anh có đủ uy tín với các tổ chức tín dụng lớn như WB, ADB… hay không? Một yếu tố nữa là khi liên danh với nước ngoài, chuyên gia của chúng ta hay thụ động, chờ những thông tin của phía liên danh nước ngoài đưa ra cái gì thì làm cái đó. Thậm chí khi liên danh để đấu thầu một dự án nào đó, chuyên gia của chúng ta thụ động khi tham gia vào khâu chuẩn bị hồ sơ để đấu thầu, cứ để cho phía nước ngoài đấu trúng thì làm không thì thôi.










Ông Nguyễn Quang Huân.
Ông Nguyễn Quang Huân.


Với Infra-Thanglong, chúng tôi không làm thế mà chúng tôi chủ động ngay từ lúc bắt đầu xem xét hồ sơ mời thầu đến lựa chọn đối tác, trao đổi thẳng thắn với nhau để cùng nhau thực hiện trọn vẹn gói thầu. Một điều nữa là phải biết lượng sức mình, chỉ nên tham gia vào những dự án mà thấy rằng bản thân có đủ năng lực thực hiện, không nên dự án nào cũng lao vào, tìm mọi cách để trúng thầu.

Hiện nay có một số doanh nghiệp Việt Nam làm ăn theo kiểu cố bằng mọi cách để trúng thầu, ký được hợp đồng. Khi không đủ năng lực thực hiện thì họ “bán cái” hoặc bỏ của chạy lấy người. Có những doanh nghiệp vớt vát bằng cách  thuê các Cty khác thực hiện nhưng một điều đã xảy ra là, khi không đủ năng lực thực hiện, phải đi thuê thì sẽ không đủ trình độ để kiểm soát được chất lượng công trình. Cách làm vì lợi nhuận mà thiếu trách nhiệm đó sẽ  khiến danh tiếng Cty bị mai một, dần dần chả ai dám chơi nữa.

Vậy điều gì quan trọng nhất khi hợp tác làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài?

- Đó là có kế hoạch rõ ràng và khả năng hợp tác nhóm. Khi làm ăn với phía nước ngoài, phải xác định đó là tinh thần hợp tác win – win, nghĩa là các bên đều là người chiến thắng chứ không nên theo kiểu cá lớn nuốt cá bé, đừng cậy mình là chủ nhà để ép người ta bởi lẽ có những doanh nghiệp nước ngoài lần đầu tiên đến làm ăn ở Việt Nam, bị ép, người ta phải chịu nhưng họ sẽ nhớ mãi anh là người không chơi được, tất nhiên họ sẽ nói với các doanh nghiệp bạn bè của họ anh là người như thế nào.

Đến khi họ tìm được đối tác khác, họ sẽ sẵn sàng bỏ anh ngay lập tức. Như vậy cơ hội hợp tác của anh lần sau sẽ rất khó. Một điều nữa là không nên tỏ ra yếu thế, thụ động trước họ, nếu như vậy sẽ bị người ta coi thường. Có một số doanh nghiệp lớn mà từ người đứng đầu đến nhân viên đều không biết ngoại ngữ, không giao tiếp được với đối tác. Như vậy ngay từ đầu đã bị vướng rào cản ngôn ngữ khiến cho việc trao đổi công việc trở nên khó khăn và không hiểu biết lẫn nhau. Nếu anh hiểu được họ muốn gì, văn hóa của họ ra sao thì việc tiếp cận công việc sẽ rất dễ dàng và là điều kiện để thiết lập mối hợp tác tin cậy lẫn nhau.

Khi đã thiết lập được sự hợp tác tin cậy, họ sẽ muốn làm ăn với anh suốt đời, thậm chí khi họ có những hợp đồng mà họ không có điều kiện thực hiện thì họ sẽ giới thiệu anh với những đối tác mới. Cứ như vậy mà quan hệ của anh sẽ  mở rộng ra, cơ hội hợp tác của anh càng ngày càng lớn hơn. Chúng ta hay nói về chữ “Tín” nhưng đối với người Châu Âu, Châu Mỹ họ cực kỳ giữ chữ tín. Khi người ta đã tin anh rồi thì kiểu gì người ta cũng sẽ giúp anh và làm với anh mãi.

Nghĩa là ngoài việc tự tin về chuyên môn  thì cũng nên biết hi sinh vì lợi ích của đối tác?

- Rõ ràng phải thế bởi nếu lần đầu vì lợi nhuận của đối tác mà lợi nhuận của mình phải kém đi một chút nhưng vẫn trong giới hạn cho phép thì hãy vẫn cứ làm. Không nên đặt mục tiêu săn lùng lợi nhuận bằng mọi cách, có thể dự án này chưa có lợi nhưng nếu làm tốt thì sang năm thế nào cũng sẽ có dự án khác đem lại lợi nhuận cao hơn và tổng thể là chúng ta sẽ có một chuỗi  lợi nhuận tốt. Đó mới là cách làm ăn lâu dài.

Khá nhiều dự án của VN khi triển khai mà đụng chạm đến đất đai của người dân là rất hay bị chậm tiến độ do vấp phải sự phản ứng từ phía người dân. Điều này làm nản lòng không ít nhà đầu tư nước ngoài. Ông có suy nghĩ gì về  vấn đề này?

- Nguyên nhân của tình trạng này là do một số doanh nghiệp, thậm chí chính quyền ở một số nơi còn quá chú trọng nhiều về mặt kỹ thuật và lợi nhuận mà coi nhẹ chính sách an toàn xã hội, chưa lắng nghe nguyện vọng của người dân trong vùng dự án hay nói theo cách mà chúng ta thường gọi đó là chưa coi trọng “quy chế dân chủ ở cơ sở”. Chúng tôi gọi đó là sự thiếu chú trọng đến tham vấn cộng đồng.

Theo quy chế dân chủ ở cơ sở,  nhà nước đã quy định rất rõ rằng những dự án đầu tư ở địa phương thì phải tham khảo ý kiến người dân nhưng thực tế có nơi người dân không được tham vấn đầy đủ. Từ trước tới nay, chúng ta đều làm theo cách cứ vẽ, cứ đo rồi mang dán một cái áp phích về dự án xuống khu dân cư và coi như đó là xong, là công khai quy hoạch dự án. Làm như thế thì người dân chưa thể hiểu để đồng thuận được.

Khi làm ăn với nước ngoài, nhất là các dự án vay vốn WB, ADB tôi mới thấy rằng, họ đặt yêu cầu phải lấy ý kiến người dân về dự án là một yêu cầu bắt buộc và là một tiêu chí hết sức quan trọng để có thể thực hiện hay không thực hiện dự án. Vì vậy, trong các dự án của chúng tôi, chúng tôi đều xuống từng tổ dân phố, họp với người dân, giới thiệu về dự án,  phân tích cho họ hiểu ích lợi của dự án, và ảnh hưởng của dự án đến đời sống của họ như thế nào. Từ đó chúng tôi có thể nghe nguyện vọng của họ để sẵn sàng điều chỉnh lại dự án một cách hợp lý.

Sau khi điều chỉnh, chúng tôi sẽ trình lại cho chính quyền địa phương, nếu chính quyền thấy việc điều chỉnh này là tốt, là phù hợp với nguyện vọng người dân thì cứ thế thực hiện. Đối với việc đền bù, tái định cư cho người dân cũng vậy, nhiều khi chúng ta làm ào ào, cứ quy hoạch một khu tái định cư rồi yêu cầu người dân thuộc diện tái định cư phải di dời  ra đó. Làm như vậy là không ổn bởi ra chỗ mới có thể phù hợp với người này nhưng lại sẽ không phù hợp với sinh kế của người khác.

Vì vậy phải bố trí chỗ tái định cư hợp lý với từng nhóm người để đảm bảo sinh kế của họ, họ mới đồng thuận và dự án mới thành công. Ở Việt Nam ta còn ít doanh nghiệp có thể cung cấp trọn gói các dịch vụ tư vấn từ chuẩn bị dự án, thiết kế kỹ thuật đến các báo cáo nghiên cứu an toàn môi trường – xã hội rồi giám sát thực hiện dự án theo các báo cáo đó. Có thể doanh nghiệp đã quá tập trung vào kỹ thuật, tính toán đến lợi ích kinh tế mà không chú ý đến tư vấn cho chủ đầu tư về vấn đề xã hội.

Có khi có nhiều chuyên gia kỹ thuật giỏi nhưng khả năng tư vấn còn yếu, chính vì vậy họ không thể cung cấp cho chủ đầu tư một cái nhìn tổng thể về lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội của dự án được. Mà khi không hài hòa lợi ích cả 3 lĩnh vực đó thì dự án không thể bền vững được. Nhà tư vấn là phải có kỹ năng cân đo đong đếm giữa lợi ích của cả nhà tài trợ, chính quyền và người dân cho hài hòa.  Nếu có nhiều doanh nghiệp làm được điều này, chắc chắn những vướng mắc trong việc thực hiện dự án sẽ được giải quyết.

Nhưng thuyết phục hết người dân trong một dự án sẽ là điều rất khó, dẫn đến  kéo dài việc thực hiện dự án?

- Việc này Infra-Thanglong đã làm nhiều rồi, kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy lúc đầu có thể chậm nhưng khi đã tạo được sự đồng thuận của người dân thì từ khi giải phóng mặt bằng đến khởi công, thực hiện dự án sẽ rất nhanh. Nếu tính về tổng thời gian thực hiện chắc chắn sẽ nhanh hơn rất nhiều. Làm theo kiểu này có lợi ở chỗ là anh thi công rất nhanh, giải ngân  nhanh, không bị đọng vốn. Như vậy hiệu quả kinh tế chắc chắn cao hơn.

Đấy gọi là “chậm vài tháng chuẩn bị để thực hiện nhanh hơn vài năm” thì tại sao ta không làm? Tôi nghĩ nguyên nhân cơ bản nhất là các doanh nghiệp phải có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Không nên cứ nhảy vào bằng mọi cách để lấy đất mà không tính đến quyền lợi người dân. Không đảm bảo được quyền lợi của người dân thì họ phản đối là điều không có gì phải bàn cãi.

Chính vì lẽ đó, tôi cho rằng muốn thành công kể cả khi liên danh, làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức tài chính nước ngoài hay trong nước thì điều đầu tiên phải nghĩ đến là trách nhiệm với cộng đồng đến đâu? Nếu có trách nhiệm với cộng đồng, sẽ được cộng đồng có trách nhiệm trở lại và anh sẽ thu được lợi nhuận từ đó. Nếu không làm được điều đó thì không thể phát triển bền vững.






Những dự án tiêu biểu bằng nguồn vốn nước ngoài mà Infra-Thanglong đã tham gia thực hiện: 

Dự án nghiên cứu khả thi và khung chính sách cho phát triển đô thị loại vừa TP Lào Cai với tổng mức đầu tư là 76 triệu USD; Dự án vệ sinh 3 thành phố Việt Nam – Tiểu dự án Hải Phòng (dự án thoát nước 1B Hải Phòng) gồm 6 hạng mục với tổng mức đầu tư 41 triệu USD; Dự án vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải (Đồng Hới, Quy Nhơn, Nha Trang) tổng kinh phí là 160 triệu USD; Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam (VUUP1) ở cả 4 tỉnh thành là TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng và Nam Định với tổng mức đầu tư lến đến 480 triệu USD; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên, thành phố Đà Nẵng v.v…

Xin cảm ơn ông!

Theo: Lao Động

 
  • TAG :

Danh mục

Loading...