Hiệu lực của Hồ sơ dự thầu.

Tình huống:

Công ty X là bên mời thầu (BMT) tổ chức đấu thầu gói thầu Y. Trong quá trình tổ chức thẩm định kết quả đấu thầu có một tình huống xảy ra như sau:



Nhà thầu ghi trong Đơn dự thầu về thời gian hiệu lực của Hồ sơ dự thầu (HSDT) không đúng theo mẫu quy định của Hồ sơ mời thầu (HSMT).

Mẫu đơn dự thầu ghi: Quy định thời gian hiệu lực của HSDT kể từ thời điểm đóng thầu. Nhưng trong Đơn dự thầu của Nhà thầu lại ghi: Thời gian có hiệu lực của HSDT kể từ thời điểm mở thầu.

Căn cứ Luật Đấu thầu (Điều 31) thì Đơn dự thầu của Nhà thầu ghi như trên là không đúng và như vậy, HSDT này sẽ bị loại bỏ.

Tuy nhiên có một vấn đề là trong phần Chỉ dẫn các nhà thầu của HSMT do tư vấn lập có sự sai sót, do đã ghi là: thời gian có hiệu lực của HSDT tính từ thời điểm mở thầu, nên trong Đơn dự thầu của nhà thầu trên đã ghi thời gian có hiệu lực của HSDT kể từ thời điểm mở thầu.

Hỏi:

Với tình huống trên BMT nên xử lý như thế nào?

Trả lời:

Hiệu lực của HSDT được quy định tại Luật Đấu thầu (Điều 31) như sau “Thời gian có hiệu lực của HSDT tối đa là một trăm tám mười ngày kể từ thời điểm đóng thầu”.

Theo quy định tại Điều 28 của Luật Đấu thầu, việc đánh giá HSDT phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT và các yêu cầu khác nêu trong HSMT. Ngoài ra, việc đánh giá HSDT còn phải căn cứ vào HSDT của nhà thầu.

Tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 111/CP quy định, một trong những điều kiện tiên quyết để loại bỏ HSDT của nhà thầu là hiệu lực của HSDT không đảm bảo yêu cầu theo quy định trong HSMT.

Tuy nhiên, trường hợp với tình huống trên, trong HSMT có sự khác biệt giữa nội dung trong mẫu đơn dự thầu và phần Chỉ dẫn các nhà thầu nên đã gây ra nhầm lẫn cho nhà thầu khi lập HSDT. Đây là tình huống nằm ngoài các tình huống nêu trong Điều 57 Nghị định 111/CP, nên việc xem xét và quyết định thuộc thẩm quyền của người quyết định đầu tư hoặc người được ủy quyền trên cơ sở đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
  • TAG :

Danh mục

Loading...