Tháng 11/2009, Công ty A có đơn kiến nghị về hành vi làm giả báo cáo tài chính và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNDKKD) của Công ty B khi tham gia đấu thầu gói thầu Cung cấp lắp đặt máy phát điện 300 KVA ( do UBND huyện X tỉnh N làm chủ đầu tư) vào tháng 9/2009. Theo nội dung trong đơn kiến nghị, việc Công ty A gửi đơn kiến nghị trực tiếp lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư là do Công ty A không đồng ý với nội dung xử lý kiến nghị của UBND huyện X.
Theo nội dung của đơn kiến nghị, Công ty B chỉ mới được thành lập vào ngày 16/03/2009 theo GCNDKKD do cơ quan ĐKKD cấp. Tuy nhiên, khi tham gia đấu thầu gói thầu nêu trên, Công ty B đã nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) có báo cáo tài chính và số liệu tài chính của 2 năm 2007,2008. Đặc biệt, Công ty B còn sửa đổi năm cấp GCNĐKKD thành năm 2004. Nhờ số liệu giả mạo đó mà Công ty B đã đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) về tính hợp lệ của nhà thầu, năng lực tài chính. Do đó, HSDT của công ty B đã vượt qua bước đánh giá sơ bộ, được xem xét ở các bước tiếp theo và được UBND huyện X quyết định trúng thầu. Công ty A đã phát hiện ra hành vi vi phạm này của nhà thầu và đã gửi đơn kiến nghị đến UBND huyện X. Sauk hi kiểm tra thông tin về sai phạm của Công ty B, UBND huyện X đã ra quyết định hủy kết quả đấu thầu của gói thầu này. Sang tháng 10/2009, khi UBND huyện X tổ chức đấu thầu lại, Công ty B đã liên danh với Công ty C ( có đầy đủ các tài liệu nểu trên theo yêu cầu của HSMT) để tham gia đấu thầu. Nhờ đó, liên danh BC đã trúng thầu và ký kết hợp đồng với UBND huyện X để thực hiện gói thầu nêu trên.
Hỏi:
1. Nếu đơn kiến nghị của Công ty A mô tả đúng hành vi vi phạm của nhà thầu Công ty B thì việc xử lý của UBND huyện X đã phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu hay chưa?
2. Việc Công ty A thực hiện trình tự khiếu nại như trên đã phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu hay chưa?
Trả lời:
1. Việc xử lý vi phạm của UBND huyện X
Theo quy định tại khoản 2 Điêu 12 Luật Đấu thầu, hành vi dùng ảnh hưởng cá nhân để tác động , can thiệp hoặc cố ý báo cáo sai hoặc không trung thực về các thông tin làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng là hành vi bị cấm trong đấu thầu. Trong tình huống trên, công ty B đã thực hiện hành vi làm giả các tài liệu trong HSDT, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Như vậy, Công ty B đã vi phạm một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu và sẽ bị xử lý theo hướng sau:
Về áp dụng quy định của pháp luật về đấu thầu để xử lý vi phạm: do HSMT của gói thầu phát hành trong tháng9/2009 và có kết quả đấu thầu được thông báo vào ngày 10/11/2009 nên việc xử lý vi phạm sẽ thực hiện theo Nghị định 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ.
Về biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật về đấu thầu: theo quy định tại khoản 2 Điều 66 của Nghị định 58/2008/NĐ-CP, nhà thầu có hành vi cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong HSDT làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 1 -3 năm.
Khi phát hiện nhà thầu tham gia đấu thầu có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, người có thẩm quyền có trách nhiệm ra quyết định xử lý vi phạm đối với nhà thầu vi phạm. Quyết định xử lý vi phạm nhà thầu sẽ được đăng tải rộng rãi trên tờ báo về đấu thầu và trang thông tin điện tử về đấu thầu, ngoài ra có thể đăng thêm trên các phương tiện thông tin đại chúng khác theo Quy định tại Điều 5 Luật Đấu thầu. Quyết định xử phạt được thực hiện ở bất kỳ địa phương, ngành nào đề có hiệu lực thi hành trên phạm vi cả nước và trong tất cả các ngành ( khoản 4 Điều 63 Nghị định 58/2008/NĐ-CP)
Như vậy, trong tình huống nêu trên, việc xử lý vi phạm của UBND huyện X là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành. Theo quy định, UBND huyện X cần báo cáo người có thẩm quyền ( Chủ tịch UBND tỉnh N) về hành vi vi phạm pháp luật của Công ty B và kiến nghị biện pháp xử lý để người có thẩm quyền xem xét, ra quyết định xử lý vi phạm đối với Công ty B. Việc UBND huyện X chỉ hủy kết quả đấu thầu và tiến hành tổ chức đấu thầu lại là chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Với hành vi vi phạm pháp luật được mô tả ở trên, nhà thầu Công ty B sẽ phải chịu hình phạt là bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 1 đến 3 năm. Ngoài ra, nhà thầu Công ty B còn phải bồi thường thiệt hại cho việc tổ chức đấu thầu lại của UBND huyện X và không được tiếp tục tham gia đấu thầu khi được UBND huyện X tổ chức đấu thầu lại gói thầu đó.
2. Về quy trình giải quyết kiến nghị:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Đấu thầu, nhà thầu dự thầu có quyền kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu và các vấn đề liên quan trong quá trình đấu thầu. Để đơn kiến nghị được tiếp nhận và xử lý, nhà thầu phải là một trong các nhà thầu tham gia đấu thầu thực hiện gói thầu, đơn kiến nghị phải hợp lệ, cụ thể là phải có chữ ký của người ký đơn dự thầu hoặc đại diện hợp pháp của nhà thầu, được đóng dấu ( nếu có) và được gửi đến đúng cá nhân/ cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong khoảng thời gian nhất định. Theo quy định tại khoản 3, Điều 72 Luật Đấu thầu, đối với kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu, thời gian để kiến nghị tối đa là mười ngày kể từ ngày thông báo kết quả đấu thầu.
Quy trình giải quyết kiến nghị được quy định tại Điều 73 Luật Đấu thầu. Trước tiên, nhà thầu có kiến nghị phải gửi đơn kiến nghị đến bên mời thầu. Bên mời thầu có trách nhiệm giải quyết kiến nghị trong đấu thầu của nhà thầu trong thời hạn tối đa là 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn của nhà thầu. Trường hợp bên mời thầu không giải quyết được hoặc nhà thầu không đồng ý với cách giải quyết của bên mời thầu thì nhà thầu được quyền gửi đơn kiến nghị lên chủ đầu tư. Thời hạn tối đa cho chủ đầu tư giải quyết kiến nghị của nhà thầu là 7 ngày làm việc kể từ khi nhận đơn của nhà thầu. Trong trường hợp chủ đầu tư không giải quyết được hoặc nhà thầu không đồng ý với cách giải quyết của chủ đầu tư thì nhà thầu được quyền gửi đơn lên người có thẩm quyền để xem xét và giải quyết theo trình tự được quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu.
Do Công ty A là một nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu nêu trên, nên Công ty A có quyền nộp đơn kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu khi phát hiện ra hành vi vi phạm của Công ty B. Tuy nhiên, để kiến nghị của Công ty A được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, Công ty A phải đảm bảo thực hiện kiến nghị theo đúng quy trình, có đơn kiến nghị hợp lệ và được nộp đúng thời hạn.
Trong tình huống nêu trên, khi Công ty A không đồng ý với nội dung giải quyết kiến nghị của UBND huyện X , công ty A cần phải gửi đơn kiến nghi leen người có thẩm quyền ( Chủ tịch UBND tỉnh N) để được giải quyết. Việc Công ty A gửi đơn kiến nghị lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chưa phù hợp với quy định hiện hành.
Tóm lại, việc thực hiện kiến nghị để sớm ngăn chặn hậu quả của các hành vi gian lận, làm trái quy định của pháp luật là rất cần thiết. Các cá nhân, cơ quan liên quan có thẩm quyền xử lý vi phạm cũng như giải quyết kiến nghị trong đấu thầu cần có trách nhiệm hơn khi thực hiện việc xử lý các hành vi vi phạm và giải quyết kiến nghị để tăng tính cạnh tranh, minh bạch và công bằng cho các nhà thầu khi tham gia đấu thầu. Ngoài ra, việc xử lý kiến nghị đã có môt quy trình được quy định tại Luật Đấu thầu và hướng dẫn chi tiết tại Nghị Định 58/2008/NĐ-CP (nay là Nghị định 85/2009/NĐ-CP). Do vậy, để đảm bảo nhận được một câu trả lời thỏa đáng đối với kiến nghị của mình, nhà thầu cần thực hiện kiến nghị theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.