Chỉ định thầu khi nào?

Chỉ định thầu khi nào?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (sau đây viết tắt là Nghị định 63/CP), các gói thầu trong hạn mức chỉ định thầu theo quy định tại Điều 54 của Nghị định này được áp dụng theo quy trình chỉ định thầu rút gọn.

Đối với dự án đầu tư, những loại gói thầu nào hay gói thầu có hạn mức bao nhiêu sẽ phải áp dụng theo quy trình chỉ định thầu thông thường theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 Nghị định 63/CP?

 

Gói thầu mua thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách được áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn

 

Trả lời:

 

Điều 22 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (Luật Đấu thầu 2013) quy định đối với gói thầu thuộc trường hợp chỉ định thầu quy định tại Khoản 1 Điều này và đáp ứng điều kiện chỉ định thầu quy định tại Khoản 2 Điều này được áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu; tuy nhiên trường hợp gói thầu vẫn có thể áp dụng một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại Luật Đấu thầu 2013 như đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh… thì khuyến khích áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác.

 

Theo quy định nêu trên, Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu 2013 có nêu 06 điểm (a, b, c, d, đ, e) thuộc trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu, trong đó có Điểm e quy định về gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Trên cơ sở quy định này, Điều 54 của Nghị định 63/CP có nêu rõ các gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu bao gồm: không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công. Như vậy, so sánh với hạn mức gói thầu thuộc trường hợp áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP, hạn mức chỉ định thầu theo quy định mới giảm từ 02 đến 06 lần.

 

Trường hợp người có thẩm quyền phê duyệt áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu là chỉ định thầu, chủ đầu tư cần nghiên cứu để lựa chọn áp dụng quy trình chỉ định thầu cho phù hợp nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu. Cụ thể, Khoản 2 Điều 56 của Nghị định 63/CP quy định chỉ áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn đối với:

 

(1) Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng, gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề, gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách (theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu 2013);

 

(2) Gói thầu trong hạn mức chỉ định thầu theo quy định tại Điều 54 của Nghị định 63/CP (đã nêu cụ thể hạn mức ở trên).

 

Theo đó, đối với trường hợp các gói thầu còn lại quy định tại Điểm b, c, d và đ Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu 2013 (là các gói thầu căn cứ theo tính chất, phạm vi công việc mà không căn cứ theo hạn mức) phải áp dụng quy trình chỉ định thầu thông thường theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 của Nghị định 63/CP.

 

Trong thực tế, nhiều chủ đầu tư vẫn bị nhầm lẫn với quy định của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP nên băn khoăn về việc vậy gói thầu có giá trị trong hạn mức bao nhiêu sẽ được áp dụng theo quy trình chỉ định thầu thông thường?

 

Theo quy định của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP, do hạn mức gói thầu được áp dụng chỉ định thầu lớn (gấp 02 đến 06 lần so với hạn mức quy định trong Nghị định 63/CP) nên Nghị định chia thành 2 loại hạn mức khác nhau để quy định về việc áp dụng quy trình chỉ định thầu cho phù hợp. Cụ thể đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn, hàng hóa, xây lắp có giá trị không quá 500 triệu đồng được áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn (Khoản 2 Điều 41 của Nghị định 85/2009/NĐ-CP); các gói thầu còn lại có giá trị từ 500 triệu đồng đến không quá 02 tỷ đồng đối với hàng hóa, không quá 03 tỷ đồng đối với dịch vụ tư vấn hoặc không quá 05 tỷ đồng đối với xây lắp phải áp dụng quy trình chỉ định thầu thông thường.

 

Tóm lại, trong giai đoạn đầu thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63/CP, sẽ không tránh khỏi những tư duy theo “lối mòn cũ”, do đó các chủ đầu tư cần tích cực nghiên cứu các tình huống, bài viết cụ thể được đăng trong Chuyên mục Hỏi đáp về Luật Đấu thầu 2013 và các văn bản hướng dẫn trên Báo Đấu thầu và trang web muasamcong.vn để đảm bảo thực hiện lựa chọn nhà thầu tuân thủ theo quy định của pháp luật đấu thầu hiện hành.

 

 

  • TAG :

Danh mục

Loading...

Bài nổi bật