Cảng Phú Định chưa biết ngày xong

  • 30 tháng 6, 2011
  • 1301 lượt xem
  • 0 bình luận
(PL)- Nhanh nhất phải đến quý III-2010, một phần cảng mới bắt đầu đi vào hoạt động.




 

Năm 2003, dự án cảng sông Phú Định (phường 16, quận 8) được khởi công. Theo kế hoạch, năm 2007, giai đoạn một của dự án được hoàn thành với 20 ha trong tổng số 64 ha, tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Với công suất bốc dỡ 2,5 triệu tấn/năm, đây là cảng sông lớn nhất TP. Nó còn phục vụ cho mục đích di dời tất cả bến bãi, kho hàng trong nội thành ra ngoại thành; tập trung mạng lưới cảng, bến bãi toàn TP về một mối.

Mòn mỏi chờ khu tái định cư

Để thực hiện dự án, từ năm 2001, hàng trăm hộ dân đã phải di dời. Ngoài các hộ dân đã nhận tiền đền bù, còn khoảng 100 hộ dân được bố trí vào khu tái định cư rộng hơn 4 ha nằm bên hông cảng. UBND TP chỉ đạo khu tái định cư phải được hoàn thành trước khi khởi công xây dựng cảng.

Tuy nhiên, sau nhiều lần hứa hẹn, đến giữa năm 2008, chủ đầu tư (Công ty TNHH một thành viên Cảng sông TP.HCM, gọi tắt là Công ty cảng sông) mới làm được một số công trình tại khu tái định cư như san nền nhà, nền đường nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện... Hơn 15 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 23,5 tỷ đồng cho hạ tầng của khu tái định cư đã được chi ra. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn không thể đến ở vì cuối con đường chính của khu vực bị vướng các trụ và lưới điện 500 kV Nhà Bè - Phú Lâm.

Bí thế, tháng 5-2009, Công ty cảng sông buộc phải vay ba tỷ đồng để gấp rút thi công đường trục số 3, dài hơn 300 m (là đường dành cho xe ôtô ra vào cảng sau này) thành đường tạm để 79 hộ dân đã nhận nền vào xây nhà tại khu tái định cư. Tháng 8-2009, lãnh đạo công ty cam kết đến tháng 9 sẽ hoàn thành đường tạm nhưng đến nay con đường này vẫn chưa được làm xong.

Theo ông Trần Nam Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty cảng sông, do tình hình tạm cư kéo dài nên từ năm 2003 đến tháng 8-2009, số tiền ngân sách phải chi hỗ trợ cho 79 hộ dân đã lên tới hơn bảy tỷ đồng. Còn ông Huỳnh Văn Ngon, Phó Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8, cho biết nếu việc tạm cư của người dân tiếp tục bị kéo dài, mỗi tháng ngân sách sẽ phải chi ra 120 triệu đồng.

Hầu hết các hạng mục đều chậm tiến độ

Các hạng mục quan trọng của cảng Phú Định là ba đường trục chạy từ đường Hồ Học Lãm vào, hệ thống đường nội bộ trong khu kho hàng và 14 kho hàng. Đường trục số 1 chạy giữa hai bên khu cầu cảng và khu kho dài khoảng 800 m. Tháng 9-2008, ông Trần Thế Kỷ, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT), cho biết đường trục số 1 đã đấu thầu xong với giá bỏ thầu hơn năm tỷ đồng. Cuối tháng 12-2008, con đường này được khởi công với giá phát sinh thêm 12 tỷ đồng. Vậy mà đến nay mới chỉ hơn 300 m đầu tiên của con đường được trải đá mi, phần còn lại vẫn là đường đất sình lầy.

Tháng 4-2009, công ty cảng sông cho biết đường trục số 2 còn vướng bốn doanh nghiệp và một hộ dân, đến cuối tháng công ty sẽ cố gắng thỏa thuận bồi thường xong để mở đường. Nhưng mới đây, ông Trần Hòa Lan - Tổng Giám đốc công ty cho biết do cầu Phú Định vượt ngã ba sông Chợ Đệm và sông Cần Giuộc để ra đại lộ Nguyễn Văn Linh có đường dẫn nằm trên đường Hồ Học Lãm chắn ngay chính cửa ra vào của đường trục số 2 nên con đường này... bị “khai tử”.

Trong khi đó, việc xây dựng khu kho hàng cũng không tiến triển khả quan. Đến đầu tháng 4-2009, nơi đây vẫn là một cái ao lớn do nhà thầu (đã bị đình chỉ thi công) đang tranh chấp tiền công nạo vét với Công ty cảng sông. Hiện nay, bùn cát đang theo con nước ngày ngày tràn vào lấp đầy “ao”. Theo ông Trần Hòa Lan, đến tháng 11-2009, công ty mới có thể tổ chức san lấp khu kho bãi trên. Ngoài ra, khi bắt đầu đưa một phần cảng vào khai thác (quý III-2010), công ty chỉ có thể xây được ba kho hàng. Nhiều doanh nghiệp cho biết nếu cảng không có đủ số nhà kho như thiết kế, họ sẽ không đưa tàu thuyền, xe vào cảng vì sợ hàng hóa bị hư hỏng.






Cầu cảng “sụm” vì “ăn non”Hạng mục quan trọng nhất của cảng là 29 cầu tàu, mỗi cầu tàu dài hơn 31 m. Đến cuối năm 2007 mới chỉ có 12 cầu tàu được làm xong nhưng đến nay phải nằm chơ vơ trên sông Chợ Đệm vì chưa có kho hàng và đường vào cảng. Đã vậy, năm 2008, ông Phan Trọng Đoàn, lúc đó là tổng giám đốc Công ty cảng sông, còn đem cho tư nhân thuê vùng nước nằm giữa cầu tàu số 2 và bờ làm vựa lên xuống cát. Hậu quả là đến cuối năm 2008, toàn bộ cầu tàu số 2 đã bị hư hỏng. Theo ông Lan, cầu tàu số 2 sẽ phải làm mới hoàn toàn với kinh phí trên ba tỷ đồng.

 


LƯU ĐỨC - HOÀNG LONG


 
  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài nổi bật