Giành xây cầu để… nuôi phà

  • 30 tháng 6, 2011
  • 750 lượt xem
  • 0 bình luận
Nhà phà tranh thầu cho bằng được rồi ngâm đó để phà mình… sống mãi.




 

Đầu năm 2010, trước nhu cầu của hơn 40.000 dân thị trấn Sông Đốc, UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã có chủ trương làm cầu Rạch Ruộng nối liền thị trấn với tỉnh lộ TP Cà Mau - thị trấn Sông Đốc. Do không nằm trong quy hoạch nên chính quyền chọn giải pháp kêu gọi các doanh nghiệp (DN) đầu tư xây cầu thu phí. Ngay lập tức, gần chục DN nhảy vào đấu thầu, trong đó nhà phà - DNTN Đức Trí - đang hoạt động cũng nhảy vào tranh.

Khó khăn tự tạo

Kết quả, nhà phà thắng thầu và tiến hành làm hợp đồng xây dựng cầu. Theo hợp đồng giữa nhà thầu (lúc này là chủ DN Đức Trí) với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Trần Văn Thời, công trình xây cầu Rạch Ruộng sẽ được tiến hành với các điều khoản cơ bản: 100% vốn DN; DN tự thỏa thuận với dân việc bồi thường, giải tỏa để có mặt bằng xây dựng; khởi công chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng; thời gian hoàn tất trong 120 ngày; thời gian khai thác thu phí là bốn năm trước khi bàn giao lại cho Nhà nước quản lý, khai thác tiếp… Thế nhưng gần một năm qua, cây cầu vẫn chưa xây xong khiến người dân thị trấn Sông Đốc hết sức bức xúc. Nhiều người làm đơn khiếu nại nhà thầu cố tình “ngâm” để chạy phà, vừa không phải bỏ vốn vừa có thu nhập cao hơn.



Mố cầu Rạch Ruộng đổ thẳng vào nhà dân, không có đường dẫn. Ảnh: TRẦN VŨ



Hai trụ cầu quá thấp so với tàu cá có độ cao 6-8 m của ngư dân Sông Đốc. Ảnh: TRẦN VŨ

Chị Nguyễn Thị Như Quyên (ngụ khóm 7, thị trấn Sông Đốc, ở gần bến phà Rạch Ruộng) cho biết: “Nếu họ làm cầu thì phải bỏ ra hơn 1 tỉ đồng, còn nếu ngâm thì không cần bỏ gì hết mà mỗi ngày vẫn thu vào vài chục triệu đồng. Xây cầu, họ không được thu phí người đi bộ, thu tiền xe máy cũng thấp hơn, từ 2.000 đồng xuống còn 1.500 đồng/chiếc. Vậy mà khi họ nêu ra khó khăn gì, chính quyền cũng giúp họ gỡ khó khăn đó. Trái khoáy là những khó khăn đó do họ tự tạo ra!”.

Tập thể hơn 100 hộ dân thị trấn Sông Đốc đã từng làm đơn tố cáo những “khó khăn tự tạo” của DNTN Đức Trí gửi cơ quan chức năng. Theo đó, hai bên đầu cầu đều là những hộ dân chưa có quyền sử dụng đất nhưng nhà thầu đã đền bù cho một hộ dân phía đầu cầu bên thị trấn Sông Đốc trên 300 triệu đồng, trong khi phía đầu cầu bên tỉnh lộ có tám hộ bị ảnh hưởng nhưng chỉ được hỗ trợ 3-7 triệu đồng/hộ, tạo ra sự khiếu kiện trong dân. Ngoài ra, vị trí cầu bị thay đổi so với thiết kế ban đầu khiến cầu nằm chệch khỏi tỉnh lộ, thể hiện rõ sự thiếu an toàn giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy.

Đề nghị thanh lý hợp đồng

Khó khăn lớn nhất mà DNTN Đức Trí đưa ra biện hộ cho việc chậm trễ xây cầu, vi phạm hợp đồng là do nhiều hộ dân không chịu giao mặt bằng. Mặc dù hợp đồng nêu rõ phần mặt bằng là DN tự thỏa thuận bồi thường cho dân nhưng huyện Trần Văn Thời vẫn cho đó là lý do hợp lý và ra tay tiếp sức với nhà thầu bằng cách áp đặt mức hỗ trợ và thực hiện quyền cưỡng chế giải tỏa.

Theo ông Lưu Minh Nhựt, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, việc chậm trễ của nhà thầu này là do các nguyên nhân khách quan. Và tại công văn ban hành ngày 10-11-2010, ông đã chỉ đạo UBND thị trấn Sông Đốc “Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, vận động những hộ dân thuộc phạm vi giải tỏa thấy được ý nghĩa của việc xây dựng cầu và lợi ích công cộng, chấp hành bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng cầu. Trường hợp hộ dân không chấp hành bàn giao đất, di dời nhà, vật kiến trúc và tài sản khác có trên đất do chủ hộ quản lý thì phối hợp với trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường rà soát, hoàn tất hồ sơ trình cơ quan thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế theo quy định của pháp luật hiện hành”. Và đầu tháng 1-2011, UBND huyện Trần Văn Thời đã ra các quyết định buộc các hộ dân phải tự giải tỏa trước ngày 22-1, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Ông Nguyễn Phát Quang - thương binh 2/4, một trong tám hộ bị ảnh hưởng, bức xúc nói: “Tôi không hiểu lợi ích gì ở đây ngoài lợi ích kinh tế của DNTN Đức Trí. Bởi xây cầu để họ thu phí chứ không phải xây cho dân đi miễn phí. Trong khi đó, cuối năm 2010, khi phát hiện nhà thầu cố tình không xây cầu, người dân thị trấn đã lên tiếng sẽ góp tiền xây cầu, không thu phí. Rồi còn nhiều nhà đầu tư khác đã lên tiếng sẽ đầu tư và tự lo 100% từ vốn xây dựng cầu đến tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Rõ ràng huyện đã cố tình tạo điều kiện cho DNTN Đức Trí dây dưa, làm khổ người dân”.

Tại nhiều cuộc họp với chính quyền địa phương (UBND thị trấn Sông Đốc, Đồn biên phòng cửa biển Sông Đốc với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Trần Văn Thời), người dân thị trấn Sông Đốc đã đề nghị thanh lý hợp đồng với nhà đầu tư Đức Trí; giao việc xây cầu cho nhà thầu tiếp theo hoặc giao lại cho thị trấn lo bằng nguồn tiền tự nguyện đóng góp của dân.







Cầu Rạch Ruộng xây chưa xong đã bị người dân làm đơn phản ứng vì độ dốc cao, không có đường dẫn mà đâm thẳng vào nhà dân, thiếu an toàn cho người đi xe máy. Phía ngư dân cũng đã lên tiếng vì độ thông thuyền không đảm bảo để hơn 100 tàu cá của ngư dân phía trong kinh Rạch Ruộng lưu thông.


TRẦN VŨ



 
  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài nổi bật