ÁP DỤNG SƠ TUYỂN NHÀ THẦU TRONG ĐẤU THẦU
1. Việc sơ tuyển nhà thầu được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 của Luật Đấu thầu.
2. Trường hợp cần áp dụng sơ tuyển đối với các gói thầu không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này thì người quyết định đầu tư quy định trong kế hoạch đấu thầu.
Trình tự thực hiện sơ tuyển
1. Lập hồ sơ mời sơ tuyển
Bên mời thầu lập hồ sơ mời sơ tuyển trình chủ đầu tư phê duyệt. Hồ sơ mời sơ tuyển bao gồm thông tin chỉ dẫn về gói thầu và các yêu cầu sau đây đối với nhà thầu:
a) Yêu cầu về năng lực kỹ thuật;
b) Yêu cầu về năng lực tài chính;
c) Yêu cầu về kinh nghiệm.
Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển được xây dựng theo tiêu chí "đạt", "không đạt" và cần được nêu trong hồ sơ mời sơ tuyển, bao gồm tiêu chuẩn đối với từng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, về năng lực tài chính và về kinh nghiệm.
Đối với gói thầu xây lắp, gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng, trừ tổng thầu thiết kế, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển còn phải phù hợp với yêu cầu về điều kiện năng lực đối với từng loại, cấp công trình xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.
2. Thông báo mời sơ tuyển
Thông báo mời sơ tuyển theo mẫu nêu tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này phải được đăng tải trên tờ báo về đấu thầu 3 kỳ liên tiếp và trên trang thông tin điện tử về đấu thầu; đối với đấu thầu quốc tế còn phải đăng tải đồng thời trên một tờ báo tiếng Anh được phát hành rộng rãi trong nước. Sau khi đăng tải theo quy định trên có thể đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Hồ sơ mời sơ tuyển được cung cấp miễn phí cho các nhà thầu sau 10 ngày, kể từ ngày đăng tải đầu tiên thông báo mời sơ tuyển và được kéo dài đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự sơ tuyển (đóng sơ tuyển).
3. Tiếp nhận và quản lý hồ sơ dự sơ tuyển
Bên mời thầu tiếp nhận hồ sơ dự sơ tuyển do các nhà thầu nộp và quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ "mật". Hồ sơ dự sơ tuyển được nộp theo đúng yêu cầu nêu trong hồ sơ mời sơ tuyển sẽ được mở công khai ngay sau thời điểm đóng sơ tuyển. Hồ sơ dự sơ tuyển được gửi đến sau thời điểm đóng sơ tuyển sẽ không được mở và được bên mời thầu gửi trả lại nhà thầu theo nguyên trạng.
4. Đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển
Việc đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển do bên mời thầu thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá nêu trong hồ sơ mời sơ tuyển.
5. Trình và phê duyệt kết quả sơ tuyển
Bên mời thầu chịu trách nhiệm trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả sơ tuyển.
6. Thông báo kết quả sơ tuyển
Sau khi chủ đầu tư phê duyệt kết quả sơ tuyển, bên mời thầu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về kết quả sơ tuyển đến các nhà thầu tham dự sơ tuyển để mời tham gia đấu thầu.