Tạo cú hích trong công tác lựa chọn nhà thầu ( Nghị đinh 63CP/2014)


Tạo cú hích trong công tác lựa chọn nhà thầu





Với nhiều điểm mới nổi bật, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (NĐ63) vừa được Chính phủ ban hành kỳ vọng sẽ là cú hích lớn, tạo một bước tiến thực sự có ý nghĩa trong công tác lựa chọn nhà thầu. Để làm rõ những điểm mới này của NĐ63, phóng viên Báo Đấu thầu đã có bài phỏng vấn ông Lê Văn Tăng – Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

IMG

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng trình bày trong một hội nghị phổ biến Luật Đấu thầu 2013

Ảnh: Lê Tiên

Phóng viên (PV): NĐ63 là Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Ông đánh giá thế nào về tính kịp thời của việc ban hành NĐ63 trong giai đoạn hiện nay?

 

Ông Lê Văn Tăng: Trước hết, cần phải khẳng định rằng, việc Chính phủ ban hành NĐ63 trước ngày Luật Đấu thầu năm 2013 có hiệu lực thi hành là rất cần thiết và kịp thời trong bối cảnh hiện nay, đảm bảo tính liên tục, thống nhất của hệ thống pháp luật về đấu thầu. Bởi vì, để khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng một lĩnh vực và bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật, Quốc hội khóa XIII đã cân nhắc kỹ lưỡng và thông qua Luật Đấu thầu năm 2013 ngày 26/11/2013, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. So với Luật Đấu thầu năm 2005, Luật Đấu thầu năm 2013 có rất nhiều điểm mới, từ nội dung các quy định đến phạm vi, đối tượng chịu sự điều chỉnh cũng tăng lên. Để kịp thời triển khai thi hành Luật, cần thiết phải ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật, nhất là đối với công tác lựa chọn nhà thầu.

 

Hơn nữa, công tác lựa chọn nhà thầu xưa nay vẫn là một lĩnh vực ẩn chứa nhiều yếu tố nhạy cảm, có thể gây nguy cơ thất thoát, tham nhũng ngân sách nhà nước do mỗi năm, con số ngân sách nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực là không hề nhỏ, ước tính lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, cơ chế thực hiện giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ. Vì vậy, thực tiễn công tác đấu thầu đòi hỏi phải sớm có một khung pháp lý hoàn thiện, đồng bộ để khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước như: tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong hoạt động đấu thầu chưa đồng đều và còn hạn chế ở một số địa phương; chất lượng, hiệu quả thực hiện một số công việc chuẩn bị cho hoạt động đấu thầu chưa cao; vấn đề quản lý sau đấu thầu chưa được thực hiện thường xuyên và chưa được quan tâm đúng mức…

 

Với những lý do trên, việc Chính phủ sớm ban hành một Nghị định về lựa chọn nhà thầu là rất cần thiết, kịp thời và là nhu cầu tất yếu của thực tiễn.

IMG

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP trình Chính phủ ban hành, Cục Quản lý đấu thầu đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến góp ý

Ảnh: Nhã Chi

PV: NĐ63 được cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đặc biệt quan tâm bởi đối tượng tác động của NĐ63 rất rộng. Vậy theo ông, những điểm mới nổi bật nhất của NĐ63 so với các quy định về đấu thầu trước đây là gì?

 

Ông Lê Văn Tăng: NĐ63 gồm 15 Chương với 130 Điều, có rất nhiều điểm mới. Theo tôi, điểm mới mà nhiều nhà thầu Việt Nam quan tâm là chính sách ưu đãi trong đấu thầu. Để cụ thể hóa quy định các đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu của Luật Đấu thầu năm 2013, NĐ63 đã quy định chi tiết về cách tính ưu đãi cho nhà thầu trong nước khi tham dự đấu thầu quốc tế, ưu đãi cho nhà thầu khi tham dự đấu thầu trong nước, ưu đãi cho hàng hóa trong nước. Với quy định mới này, hàng hóa trong nước và nhà thầu trong nước sẽ được hưởng lợi thế hơn so với hàng hóa nhập khẩu và nhà thầu nước ngoài; hạn chế được tối đa tình trạng “nhà thầu Việt Nam thua trên sân nhà”; đồng thời thúc đẩy việc thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về “Khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Thứ hai là, khi NĐ63 có hiệu lực (ngày 15/8/2014), các gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và hỗn hợp khi tổ chức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế được áp dụng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Nhà thầu chuẩn bị hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt, việc mở thầu sẽ được tiến hành 2 lần, lần thứ nhất mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật để đánh giá mà không bị ảnh hưởng bởi đề xuất tài chính của nhà thầu. Chỉ có những hồ sơ đề xuất kỹ thuật vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật mới được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá. Quy định này sẽ khắc phục tình trạng nhà thầu có hồ sơ dự thầu không đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ thuật (đảm bảo đủ kinh nghiệm, năng lực, chất lượng…) nhưng vẫn trúng thầu vì bỏ giá thấp dẫn đến chất lượng các công trình không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

 

Điểm mới nổi bật thứ ba của NĐ63 là hạn mức chỉ định thầu. Theo đó, hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 1 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển (thấp hơn nhiều hạn mức chỉ định thầu tại Nghị định 85/2009/NĐ-CP).

 

Qua tổng kết công tác đấu thầu giai đoạn 2009 - 2012, để hạn chế chỉ định thầu tràn lan, đồng thời khuyến khích các nhà thầu tự nâng cao năng lực, kinh nghiệm, uy tín, tính cạnh tranh thông qua đấu thầu rộng rãi, NĐ63 đã giảm hạn mức chỉ định thầu xuống; đồng thời mở rộng hạn mức chào hàng cạnh tranh (gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp đơn giản, thông dụng có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng) để giúp chủ đầu tư, bên mời thầu thuận lợi hơn trong việc áp dụng hình thức này, đồng thời góp phần đơn giản thủ tục hành chính, nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thông dụng.

 

Bên cạnh đó, một điểm mới khác của NĐ63 là phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu. Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung một số phương pháp mới trong đánh giá hồ sơ dự thầu so với Luật Đấu thầu năm 2005. Để cụ thể hóa các phương pháp đánh giá này, NĐ63 đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn đánh giá tương ứng với từng loại phương pháp đánh giá, giúp chủ đầu tư, bên mời thầu có thêm các công cụ lựa chọn nhà thầu linh hoạt, hiệu quả hơn, phù hợp với tính chất, quy mô của từng gói thầu.

 

Ngoài ra, NĐ63 cũng đã cụ thể hóa nhiều quy định mới của Luật Đấu thầu năm 2013 về mua sắm tập trung, đấu thầu qua mạng, bổ sung nhiều quy định mới để giảm thiểu thủ tục hành chính cho nhà thầu – doanh nghiệp, tăng tính trách nhiệm của các đối tượng được phân cấp trong đấu thầu…

 

PV: Theo ông, khi các quy định mới của NĐ63 có hiệu lực thi hành thì công tác lựa chọn nhà thầu sẽ có chuyển biến như thế nào?

 

Ông Lê Văn Tăng: Quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo NĐ63 trình Chính phủ ban hành, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo để lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp – đối tượng chính chịu tác động, các Bộ, ngành, địa phương; đồng thời, đúc rút kinh nghiệm của thực tiễn đấu thầu tại Việt Nam thời gian qua và tham khảo, học hỏi các kinh nghiệm tốt của quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á… Vì thế, các khâu trong quy trình lựa chọn nhà thầu đã được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và hạn chế tối đa các thủ tục không cần thiết nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm tính chính xác cũng như hiệu quả trong hoạt động lựa chọn nhà thầu.

 

Bên cạnh đó, với nhiều quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện mua sắm tập trung của NĐ63, tôi cho rằng việc thực hiện mua sắm tập trung trong thời gian sắp tới cũng sẽ làm tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động mua sắm, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian và chi phí tổ chức mua sắm, hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước và khuyến khích nhà thầu nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước đồng thời làm tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Cùng với đó, việc áp dụng đấu thầu qua mạng theo quy định của NĐ63 sẽ tiết kiệm chi phí trong đấu thầu, tăng cường mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Tiến Cường (thực hiện)

  • TAG :