Ngày 13-11, Trung Quốc đã kết thúc một tháng lấy ý kiến về Phương án cải cách thể chế y tế, y dược nhằm định hướng cho chế độ giá dược phẩm trong thời gian tới. Có bốn vấn đề về giá thuốc cần phải giải quyết:
Thu lợi từ chiết khấu
Ngày 29-4, vụ án sử dụng thuốc giả gây chết nhiều nhất ở Trung Quốc được đưa ra xét xử. 13/15 bệnh nhân dùng thuốc giả trị viêm gan Armillarisin A của Công ty Dược phẩm số 2 Tề Tề Cáp Nhĩ ở TP Cáp Nhĩ Tân đã chết. Giá mỗi ống thuốc chỉ năm nhân dân tệ (11.000 đồng VN) nhưng khi thuốc đến tay bệnh nhân, giá tăng lên chín lần. Nguyên nhân do các khâu trung gian chia chác với nhau phần trăm chiết khấu.
Một loại thuốc phải qua nhiều khâu trung gian như tổng đại lý, cơ sở bán theo khu vực, văn phòng đại diện thuốc chữa bệnh, hiệu thuốc bệnh viện rồi mới đến tay bệnh nhân. Thuốc cùng một chức năng chữa bệnh có rất nhiều. Ai chiết khấu lại cao thì nhập thuốc của người ấy. Vì thế, các doanh nghiệp dược phẩm cạnh tranh rất căng trong phần chiết khấu lại.
Tại bệnh viện, quyền kê đơn thuốc đều thuộc vào tay bác sĩ, trong khi 80% số dược phẩm ở Trung Quốc được tiêu thụ trong bệnh viện. Trung Quốc đã nhiều năm chỉnh đốn hành vi hối lộ của các doanh nghiệp dược phẩm. Tuy nhiên năm ngoái, nhân viên ngành y dược đã nộp lại phong bì chiết khấu kê đơn thuốc lên tới gần 400 triệu nhân dân tệ (880 tỷ đồng VN). Con số thực tế còn lớn hơn nhiều.
Tác hại của đấu thầu
Tỉnh Quảng Đông đã ban hành Phương án thực thi mua bán minh bạch dược phẩm của cơ cấu chữa bệnh tỉnh năm 2008. Phương án quy định: Các cơ sở chữa bệnh thuộc tỉnh quản lý phải nghiêm túc chấp hành chế độ hai phiếu nhằm giảm bớt khâu trung gian. Chế độ hai phiếu tức là doanh nghiệp sản xuất dược phẩm xuất hóa đơn cho công ty phân phối và công ty phân phối xuất hóa đơn cho bệnh viện.
Đơn vị mời thầu khi xác định doanh nghiệp trúng thầu phải tính đến các yếu tố: giá cả chiếm 40%, chất lượng chiếm 40%, phục vụ chiếm 20%. Trong đó, giá cả là chỉ tiêu cố định, còn lại là chỉ tiêu linh hoạt. Vì thế, dù cùng một tỉnh, do thời gian đấu thầu và chuyên gia thẩm định đấu thầu khác nhau nên mức giá trúng thầu đối với dược phẩm của cùng doanh nghiệp sản xuất, cùng chủng loại và cùng quy cách cũng khác nhau.
Trong đấu thầu, các loại dược phẩm thông thường luôn có nhiều doanh nghiệp tham gia. Do cạnh tranh khốc liệt, giá cả giảm xuống thấp khiến doanh nghiệp trúng thầu khó có lãi. Các loại thuốc mới thì có ít đối thủ, khả năng trúng thầu lớn, giá cả cũng tương đối cao. Vì vậy, doanh nghiệp đã đổi hình dạng, tên gọi của thuốc, đưa ra loại thuốc có tên gọi và hình dạng riêng biệt. Kết quả là dược phẩm giá cao trên thị trường ngày càng nhiều.
Nhà nước cho phép bệnh viện chênh lệch giữa giá mua và giá bán 15%. Giá trúng thầu của dược phẩm càng cao thì phần chênh lệch càng cao. Vì thế, bệnh viện đều muốn chọn dược phẩm giá cao. Các nhà sản xuất thấy thế không tiếp tục sản xuất thuốc giá rẻ nữa. Đó là nguyên nhân cơ bản gây ra nạn khan hiếm thuốc giá rẻ.
Ủy thác quản lý thuốc
Từ năm 2006, TP Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) đã thực hiện thí điểm phương án ủy thác cho doanh nghiệp, tức trao toàn bộ quá trình mua bán, phân phối dược phẩm của hiệu thuốc bệnh viện cho các doanh nghiệp lưu thông nhằm tách biệt dược phẩm khỏi bệnh viện.
Kết quả đầu tiên là cắt rời mắt xích lợi ích giữa đại lý dược phẩm và bác sĩ. Một bệnh viện sau khi sàng lọc công khai chỉ chọn một doanh nghiệp dược phẩm. Thứ hai là hình thành cơ chế giám sát lẫn nhau giữa bệnh viện và doanh nghiệp dược phẩm. Nhân viên phụ trách nhập dược phẩm nay trở thành nhân viên giám sát công tác nhập.
Theo thống kê, giá cả 10 loại dược phẩm thường dùng có tỷ lệ giảm giá từ 14% đến 17,2%.
Tuy nhiên, Hiệp hội Quản lý doanh nghiệp thuốc chữa bệnh Trung Quốc nhận xét tách biệt dược phẩm và bệnh viện không phải ở chỗ tách ra hay đặt hiệu thuốc trong bệnh viện mà mấu chốt là cắt đứt quan hệ kinh tế, làm cho bệnh viện, bác sĩ và đơn vị mua bán dược phẩm không thể có quan hệ kinh tế với nhau.
Chết vì giảm giá
Qua 24 lần điều chỉnh giá thuốc, nhà nước đã giảm giá 1.500 loại dược phẩm. Tuy nhiên, người dân lại không ủng hộ vì mua thuốc loại giảm giá không có. Vấn đề mấu chốt là bệnh viện được phép cộng thêm 15% vào giá mua. Do đó, bệnh viện có khuynh hướng mua bán các loại thuốc giá cao, không bán loại giảm giá. Vì thế, doanh nghiệp dược phẩm không sản xuất các loại giảm giá nữa, dẫn đến thuốc chết vì giảm giá.
Trẻ sơ sinh có 16 ngón chânNgày 30-10, tại TP Lôi Châu (tỉnh Quảng Đông), một bé trai sơ sinh có 16 ngón chân ra đời. Khi mới sinh bé nặng 3,4 kg, hai bàn tay không có ngón cái nhưng vẫn đủ năm ngón. Bé phải ở lại bệnh viện điều trị đến ngày 5-11 mới xuất viện về nhà. Hiện bé vẫn phát triển khỏe mạnh. |