Yêu cầu khác thường nêu trong Hồ sơ mời thầu

Tình huống: Dự án xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của một đơn vị hành chính sự nghiệp sử dụng vốn ngân sách nhà nước có một gói thầu mua sắm thiết bị. khi tổ chức đấu thầu, trong hồ sơ mời thầu (HSMT) tại phần Đặc tính kỹ thuật có nêu là “yêu cầu nhà thầu tối thiểu phải có đóng dấu xác nhận của nhà sản xuất hoặc văn phòng đại diện của nhà sản xuất và nhà thầu phải nộp Catalog kèm theo”


 

Khi đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), trong số 4 nhà thầu tham dự thầu thì 3 nhà thầu không có dấu của nhà sản xuất hoặc văn phòng đại diện, còn một nhà thầu có chữ ký của nhà sản xuất nhưng không có đóng dấu. Các thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu băn khoăn không rõ cách xử lý đối với các HSDT này.


Hỏi: Bên mời thầu cần xử lý tình huống trên như thế nào cho phù hợp với pháp luật đấu thầu hiện hành?


Trả lời: Theo quy định tại điều 70 của Luật Đấu thầu, việc xử lý tình huống trong đấu thầu phải tuân thủ các nguyên tắc: Bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế; căn cứ vào kế hoạch đấu thầu được phê duyệt, nôi dung của HSMT, HSDT của các nhà thầu tham gia đấu thầu và người có thẩm quyền là người quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Như vậy, khi tình huống trong đấu thầu xảy ra Bên mời thầu cần nghiên cứu kỹ, đề xuất biện pháp xử lý và trình người có thẩm quyền ra quyết định xử lý. Các thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu cần bàn bạc thống nhất biện pháp xử lý để báo cáo với Bên mời thầu, Chủ đầu tư trình người có thẩm quyền quyết định.
Trong trường hợp cụ thể này, trước hết chúng ta cùng chú ý tới nội dung nêu trong HSMT. Tại phần đặc tính kỹ thuật của hàng hoá, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có đóng dấu của nhà sản xuất hoặc văn phòng đại diện. Với yêu cầu này nếu nhà thầu là doanh nghiệp thương mại thì khi tham gia dự thầu họ phải xin dấu xác nhận của nhà sản xuất hoặc văn phòng đại diện vào phần đặc tính kỹ thuật của hàng hoá. Trong mẫu HSMT mua sắm hàng hoá do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành theo quyết định số 1118/2008/QĐ-BKH ngày 03/09/2008 nêu yêu cầu về tài liệu để chứng minh sự đáp ứng của hàng hoá thông qua các tài liệu về mặt kỹ thuật như tiêu chuẩn hàng hoá, tính năng, thông số kỹ thuật, thông số bảo hành của hàng hoá, giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của nhà sản xuất, chứ không có yêu cầu về việc đóng dấu của nhà sản xuất hoặc văn phòng đại diện vào tài liệu kỹ thuật này. Việc yêu cầu trong HSMT của gói thầu nêu trên không có trong các quy định hiện hành và cũng không theo đúng thông lệ chung, dẫn đến các nhà thầu đều không đáp ứng được. Đặc biệt trong trường hợp các nhà thầu là doanh nghiệp sản xuất nước ngoài, khi cấp giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của nhà sản xuất, người đại diện có thẩm quyền của nhà sản xuất cũng chỉ ký mà không đóng dấu. Như vậy, việc yêu cầu phải đóng dấu xác nhận của nhà sản xuất hoặc văn phòng đại diện vào tài liệu kỹ thuật của nhà thầu đã làm hạn chế các cơ hội tham gia dự thầu của nhiều nhà thầu và yêu cầu này không cần thiết vì trong HSMT đã đưa ra yêu cầu phải có catalog kèm theo. Mặt khác, quy định này không rõ ràng vì yêu cầu “tối thiểu” là có đóng dấu, còn ngoài ra không rõ là có yêu cầu gì nữa. Về mặt hành văn của yêu cầu này là không chuẩn xác.
Trong tình huống này, 3 nhà thầu không có dấu của nhà sản xuất vào phần tài liệu kỹ thuật và một nhà thầu chỉ có chữ ký, chứ khôgn có dấu của nhà sản xuất. Như vậy, cả 4 HSDT đều không đáp ứng yêu cầu của HSMT.
Với những phân tích trên, việc quy định không phù hợp của HSMT đã làm tất cả các nhà thầu tham dự không đáp ứng được. Nếu loại bỏ các HSDT này chỉ vì yêu cầu không phù hợp sẽ phải huỷ cuộc đấu thầu, sẽ phải tổ chức đấu thầu lại và sẽ tốn kém, đồng thời làm chậm tiến độ của dự án nói chung. Đặc biệt là tại thời điểm hiện nay, các dự án đầu tư cần phải đẩy nhanh các thủ tục đấu thầu và thủ tục đầu tư để thực hiện được chủ trương kích cầu của Chính phủ. Để xử lý tình huống do yêu cầu không chuẩn xác và không phù hợp đã nêu trong HSMT dẫn đến tất cả các nhà thầu không đáp ứng được, Bên mời thầu cần xem xét, kiến nghị người có thẩm quyền coi yêu cầu này là không cơ bản và không cần thiết để tránh loại bỏ các nhà thầu, gây lãng phí trong đấu thầu và kéo dài thời gian thực hiện.
Qua tình huống nêu trên, lại một lần nữa xin cảnh báo về chất lượng của HSMT. Các đơn vị soạn thảo và thẩm định HSMT cần lưu ý tới những yêu cầu khác thường nêu trong HSMT. Cân xem các yêu cầu này có phù hợp với quy định hiện hành và phù hợp với thực tế gói thầu hay không, tránh đưa ra những yêu cầu không khả thi. Ngoài ra, những yêu cầu đó cũng phải nêu rõ ràng, chính xác, tránh làm cho các nhà thầu hiểu nhầm về HSMT. Và khi tổ chức đấu thầu, nếu có tình huống xảy ra thì ngươi quyết định chính là người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 70 của Luật Đấu thầu và Điều 70 của Nghị định 58/2008/NĐ-CP của Chính phủ.


Theo Báo Đấu thầu


 

  • TAG :

Danh mục

Loading...