Chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp
Hỏi: Gói thầu xây lắp được phê duyệt kế hoạch đấu thầu là chỉ định thầu: - Như vậy Chủ đầu tư phải phát hành và bán hồ sơ yêu cầu cho mấy nhà thầu? - Nếu chỉ bán cho 1 Nhà thầu thì không có điều kiện lựa chọn Nhà thầu tốt. Trong trường hợp này thì điều kiện cần đối với Nhà thầu là gì? Điều kiện đủ là gì? Trả lời: Kế hoạch đấu thầu được phê duyệt là cơ sở pháp lý đầu tiên cần có để tiến hành các hoạt động lựa chọn Nhà thầu. Hình thức lựa chọn Nhà thầu cho 1 gói thầu trong KHĐT sẽ định hướng cho các công việc thực hiện tiếp theo. Trường hợp trong KHĐT đã cho phép một gói nào đó được áp dụng hình thức chỉ định thầu thì trình tự các công việc tiếp theo cần được thực hiện theo Điều 41 NĐ 85/CP, cụ thể như sau: 1) Chủ đầu tư sẽ phê duyệt Hồ sơ yêu cầu (HSYC) và xác định 1 nhà thầu có đủ NL&KN đáp ứng yêu cầu của gói thầu đề nhà thầu này được nhận HSYC. Nếu phát hành HSYC cho vài Nhà thầu rồi chọn 1 Nhà thầu tức là biến hình thức chỉ định thầu thành hình thức đấu thầu hạn chế. 2) Tiếp đó bên mời thầu (BMT) phát hàng HSYC, dành thời gian cho Nhà thầu chuẩn bị Hồ sơ đề xuất (HSĐX), đánh giá và đàm phán với Nhà thầu về HSĐX, lập báo cáo kết quả đề thẩm định và phê duyệt kết quả chỉ định thầu. 3) BMT tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng để ký hợp đồng. Trường hợp gói thầu được phép trong KHĐT là áp dụng hình thức chỉ định thầu nhưng giá gói thầu ≤ 500 triệu đồng thì chỉ cần BMT chuẩn bị dự thảo hợp đồng, rồi tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, trình Chủ đầu tư phê duyệt kết quả chỉ định thầu và ký hợp đồng (khoản 2 Điều 41 NĐ 85/CP). Trình tự thực hiện Chỉ định thầu được quy định như trên là nhằm đảm bảo chọn được Nhà thầu phù hợp (tức đủ kinh nghiệm, năng lực và có giải pháp thực hiện khả thi đối với gói thầu), tuy nhiên vì chỉ có 1 nhà thầu sự cạnh tranh là không cao. Vì vậy hình thức này luôn được coi là trường hợp đặc biệt và phải có đủ điều kiện theo quy định mới được xem xét. Ngay khi thuộc diện để xem xét chỉ định thầu trong KHĐT thì trong Luật Đấu thầu (được sửa đổi bởi Luật số 38) yêu cầu “phải đảm bảo việc chỉ định thầu hiệu quả hơn đấu thầu”, trong NĐ 85/CP (Đ 40) cũng yêu cầu “trường hợp không cần thiết chỉ định thầu thì tổ chức đấu thầu theo quy định”. Như vậy việc áp dụng, sử dụng các quy định pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào những con người cụ thể (người xây dựng, người thẩm định, người phê duyệt KHĐT) có liên quan tới hình thức chỉ định thầu. Và thường phẩm chất con người lại đóng vai trò quyết định.