(Davilaw) - Hồ sơ mời tham gia đấu thầu thuốc vào bệnh viện tới đây sẽ chi tiết, chặt chẽ hơn rất nhiều; quy định thuốc bán tại nhà thuốc bệnh viện chỉ được lãi 5%.
Hôm 1.5, chương trình “Nói và làm” của TP.HCM có chủ đề bình ổn giá thuốc; tham dự chương trình có cả Sở Y tế TP cùng Bộ Y tế và đại diện bệnh viện.
Nhà thuốc của các bệnh viện lớn tới đây chỉ được lãi 5% - Ảnh: D.Đ.M |
|
Bác sĩ Đỗ Hoàng Giao - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đánh giá cao sự phát triển của công nghiệp dược trong nước. Ông cho rằng: “Với những bệnh thông thường, việc kê thuốc “xịn”, kháng sinh đắt tiền là điều không hợp lý, là gây lãng phí rất lớn cho người bệnh". |
|
Tại cuộc trao đổi trên, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết trong các giải pháp bình ổn giá thuốc của Bộ sắp tới sẽ có việc sửa đổi những bất cập về đấu thầu thuốc. Tới đây, hồ sơ mời thầu (mời các doanh nghiệp tham gia đấu thầu cung cấp thuốc vào bệnh viện công lập) sẽ chi tiết, chặt chẽ hơn rất nhiều so với lâu nay. Về lâu dài, Bộ đề nghị xây dựng nghị định riêng dành cho đấu thầu thuốc (vì lâu nay, đấu thầu thuốc được áp dụng chung với đấu thầu của ngành xây dựng). Thuốc bán tại các nhà thuốc bệnh viện lớn cũng sẽ được quy định chỉ được lãi 5% (lâu nay quy định lãi từ 5-20%), vì những nhà thuốc bệnh viện lớn hằng ngày có doanh số bán rất lớn. Về lâu dài, Bộ Y tế cũng xin điều chỉnh cả Luật Dược được ban hành hồi năm 2005. Bên cạnh đó, thuốc do ngân sách nhà nước lo cũng sẽ được quy định giá trần.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Việc tăng và giảm giá thuốc cũng phải vận hành theo nền kinh tế thị trường, vì nếu đầu ra cho sản phẩm có nhiều thứ gia tăng, mà chúng ta dùng biện pháp hành chính để buộc thuốc không tăng giá thì rất khó khăn. Tuy nhiên, thuốc là mặt hàng có liên quan đến sức khỏe người bệnh, nên chúng ta buộc phải dùng một số biện pháp hành chính để bình ổn giá. Chẳng hạn, lâu nay, kế hoạch đấu thầu thuốc thường thực hiện trước một năm, nếu doanh nghiệp nào bỏ thầu (vì giá cả tăng) thì Bộ Y tế sẽ không cho doanh nghiệp ấy tham gia đấu thầu thuốc vào bệnh viện trong vòng 2 năm”.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thêm, Bộ đã trình xin Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử phạt hành chính đối với những trường hợp sai phạm trong việc tăng giá thuốc chữa bệnh.
Bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch HĐND TP.HCM - hoan nghênh việc triển khai chương trình bán thuốc bình ổn giá của ngành y tế TP, đến nay đã có 4 doanh nghiệp dược phẩm tham gia cung cấp 10 nhóm mặt hàng cho chương trình bán thuốc bình ổn giá. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh 3 vấn đề mà ngành y tế TP cần phải quan tâm tới đây, đó là: Việc coi thường thuốc nội, không chỉ ở người bệnh, mà còn có cả bác sĩ; ngành y tế TP phải coi trọng việc quản lý giá thuốc nội và cả ngoại nhập, quản lý việc đăng ký giá của các công ty; nghiên cứu đề xuất việc quy hoạch đầu tư cho ngành dược, vì, trong số 20 nước có lợi thế về sản xuất thuốc, có VN, chỉ ưu tiên nhập khẩu đối với những thuốc VN chưa sản xuất được.
Theo: Thanh Niên