Mỗi gói thầu chỉ có 1 HSMT
Hỏi: Điều 6 Khoản 4 Luật đấu thầu có ghi “Mỗi gói thầu chỉ có 1 HSMT và được tiến hành đấu thầu 1 lần”. Điều 4 khoản 24 của Luật có định nghĩa “Hồ sơ mời thầu là toàn bộ tài liệu sử dụng cho đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế bao gồm các yêu cầu cho một gói thầu…”. Như vậy mỗi gói thầu chỉ có 1 HSMT và 1 hồ sơ chỉ được lập cho một gói thầu. Trả lời: Sự khác nhau cơ bản giữa hoạt động đầu tư và hoạt động đấu thầu là ở chỗ việc đầu tư được xem xét cho 1 dự án ( thông qua quyết định đầu tư), còn đấu thầu (hay lựa chọn nhà thầu) được xem xét cho 1 gói thầu. Thông thường để thực hiện, dự án được chia thành nhiều gói thầu (DVTV, MSHH, XL, EPC…) và trường hợp đặc biệt 1 dự án chỉ có 1 gói thầu. Nội dung này được thể hiện ở Điều 4 khoản 20, Điều 6 Luật Đấu thầu. Đồng thời tại Điều 6 khoản 4 Luật đấu thầu quy định: Mỗi gói thầu chỉ có 1 HSMT và được tiến hành đấu thầu 1 lần. Khi đã có 1 gói thầu được phê duyệt trong KHĐT thì việc thực hiện đấu thầu (lựa chọn nhà thầu) chỉ được làm 1 lần, không thể tuần này tổ chức đấu thầu cho 1 phần của gói thầu, tuần sau lại đấu thầu cho phần tiếp theo, tức là chỉ với 1 HSMT. Nếu việc thực hiện đấu thầu (lựa chọn nhà thầu) không thành công thì mọi công việc lại phải bắt đầu lại từ đầu. Bởi vì KHĐT đã phê duyệt là không thực hiện được. Chủ đầu tư phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét quyết định điều chỉnh KHĐT cho phù hợp. Chẳng hạn cần điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà thầu, điều chỉnh giá gói thầu, quy mô, thời gian… để có cơ sở pháp lý cho công việc tiếp theo và cũng để đảm bảo cho việc lựa chọn nhà thầu là thành công. Tuy nhiên trong trường hợp 1 gói thầu lại gồm nhiều phần (công việc) độc lập (còn được gọi là lô) thì trong HSMT có thể cho phép nhà thầu chào cho từng phần (từng lô) để nâng cao tính cạnh tranh. Khi đó nhà thầu tham gia dù chỉ cho 1 lô nào đó thì vẫn phải mua HSMT cho cả gói vì chỉ có 1 HSMT. Để thực hiện theo hình thức này thì ngoài đặc thù của gói thầu gồm những phần công việc độc lập, riêng biệt, chúng ta phải nêu cách lựa chọn này trong KHĐT (Điều 10/NĐ 85/CP) và khi thực hiện cần nghiên cứu tình huống nêu tại Khoản 4 Điều 70 NĐ 85/CP. Qua câu hỏi mà bạn nêu ra thì cần lưu ý là phải hiểu đúng định nghĩa về HSMT (điều 4 khoản 24 Luật đấu thầu). HSMT chỉ được dùng trong 2 hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế (trong nước hoặc quốc tế). Đó là những hình thức thông dụng, phổ biến, cạnh tranh do đó mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Còn đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu còn lại (như chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh…) thì sử dụng thuật ngữ Hồ sơ yêu cầu thay cho HSMT). Mỗi thuật ngữ đều có giá trị pháp lý tương ứng, do vậy cần phân biệt rõ.