Một số tình huống trong đấu thầu

Một số tình huống trong Đấu thầu giải quyết theo tinh thần Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 và Nghị định số 58/CP



Câu 1. Khi sử dụng thầu phụ, tổng thầu/thầu chính có phải xin phép chủ đầu tư không ? Đối với khối lượng công việc giao cho thầu phụ, chủ đầu tư có được can thiệp không ?


Trả lời:


Trong quá trình thực hiện dự án/gói thầu, việc sử dụng nhà thầu phụ của tổng thầu hoặc thầu chính xây dựng phải được sự chấp thuận của chủ đầu tư.


Việc phân chia khối lượng công việc giữa nhà thầu chính (bên giao thầu) với nhà thầu phụ (bên nhận thầu) được thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng giữa các bên mà không liên quan trực tiếp đến chủ đầu tư. Tổng thầu hoặc thầu chính khi tham gia dự thầu phải đề xuất phạm vi công việc phần thầu phụ đảm nhiệm. Thầu phụ được chọn thực hiện công việc phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng.


Câu 2. Xin cho biết cơ sở xác định quyền và nghĩa vụ từng thành viên trong liên danh dự thầu ? Hợp đồng đã ký với liên danh nhưng có đề nghị hủy hợp đồng từ một thành viên liên danh thì cách xử lý thế nào ?


Trả lời:


Khi nhà thầu liên danh tham dự đấu thầu, trúng thầu và ký kết hợp đồng với bên giao thầu thì quyền và nghĩa vụ của từng nhà thầu trong liên danh sẽ được xác định theo thỏa thuận liên danh giữa các nhà thầu và theo hợp đồng ký kết với bên giao thầu.


Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu thành viên liên danh đơn phương đề nghị hủy hợp đồng với bên giao thầu mà không do lỗi của bên giao thầu thì bên giao thầu có quyền tịch thu tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng và làm thủ tục hủy hợp đồng. Việc hủy hợp đồng thực hiện theo quy định tại Điều 425 Bộ Luật Dân sự và thỏa thuận hợp đồng.


Đối với phần công việc của hợp đồng bị từ chối thực hiện do hủy hợp đồng, bên giao thầu có thể giao lại cho nhà thầu khác trong liên danh nếu nhà thầu này có nguyện vọng và đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoặc tổ chức lựa chọn nhà thầu khác thực hiện phần việc này. Trong cả hai trường hợp, chủ đầu tư cần báo cáo người có thẩm quyền phê duyệt lại kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết lại hợp đồng giao nhận thầu.


Câu 3. Công tác khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng với giá trị tư vấn dự kiến khoảng 1 tỷ đồng thì có phải đấu thầu không ? Kế hoạch đấu thầu đối với gói thầu này được lập như thế nào ?


Trả lời:


Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 20 Luật Đấu thầu thì gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu dưới 500 triệu đồng được chỉ định thầu. Các trường hợp khác phải thực hiện đầu thầu. Đối với gói thầu tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình nêu trên thì áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế theo Điều 100 Luật Xây dựng. Gói thầu này được xác định tại kế hoạch đấu thầu ở giai đoạn chuẩn bị dự án, bao gồm tên gói thầu, giá gói thầu, nguồn vốn, hình thức lựa chọn nhà thầu và phương thức đấu thầu, thời gian lựa chọn nhà thầu, loại giá  hợp đồng và thời gian thực hiện hợp đồng.


Câu 4. Chúng tôi hiện đang hoạt động trong lĩnh vực tư vấn xây dựng, đã nghiên cứu kỹ văn bản 1751/BXD-VP ngày 14/8/2007 của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, để tham dự đấu thầu mang tính cạnh tranh, đề nghị hướng dẫn rõ hơn cách tính các chi phí thiết kế, giám sát, thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình khi dự án thường có nhiều loại công trình khác nhau ?


Trả lời:


- Chi phí thiết kế xây dựng công trình tính bằng tỷ lệ % của chi phí xây dựng chưa có thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình được duyệt


- Chi phí giám sát thi công xây dựng tính bằng tỷ lệ % của chi phí xây dựng chưa có thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình hoặc dự toán gói thầu được duyệt


- Chi phí giám sát lắp đặt thiết bị tính bằng tỷ lệ % chi phí thiết bị chưa có thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình hoặc dự toán gói thầu được duyệt


- Chi phí thẩm tra thiết kế kỹ thuật đối với công trình có yêu cầu thiết kế 3 bước, thẩm tra bản vẽ thi công đối với công trình có yêu cầu thiết kế 1 bước, 2 bước, thẩm tra dự toán công trình tính bằng tỷ lệ % của chi phí xây dựng chưa có thuế giá trị gia tăng trong dự toán công trình hoặc dự toán gói thầu được duyệt


Trường hợp trong dự án có nhiều loại công trình khác nhau thì mỗi loại công trình được sử dụng chi phí xây dựng, thiết bị trong dự toán công trình để xác định. Mặt khác để xác định hợp lý các chi phí nêu trên, chủ đầu tư, tư vấn cần xem xét thêm các cơ sở khác như nội dung, tính chất công việc, các công việc tương tự đã thực hiện ở công trình, dự án khác…để điều chỉnh và xác định.


Câu 5. Chúng tôi ký hợp đồng với nhà thầu liên danh gồm 2 thành viên. Xin hỏi nếu thực hiện bảo lãnh thực hiện hợp đồng, tạm ứng, thanh toán đối với từng nhà thầu thì có gì vướng mắc không ?


Trả lời:


Khi lập và ký kết hợp đồng xây dựng với nhà thầu liên danh, việc quy định và tạm ứng, thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng riêng cho từng nhà thầu là không trái với các quy định hiện hành của pháp luật. Trong quá trình chuẩn bị hợp đồng, chủ đầu tư cần xem xét nội dung của thỏa thuận liên danh để xác định mức bảo lãnh thực hiện hợp đồng, tạm ứng, thanh toán đối với từng thành viên liên danh cho phù hợp với phạm vi, khối lượng công việc, tiến độ thực hiện mà nhà thầu đã cam kết trong thỏa thuận liên danh và nội dung hợp đồng ký với chủ đầu tư.


Câu hỏi 6: Xin cho biết thế nào là Nhà thầu liên danh? Gọi là Thỏa thuận liên danh hay Hợp đồng liên danh ? Như thế nào được coi là hợp lệ? Bên mời thầu cho rằng thỏa thuận liên danh của Công ty chúng tôi với một đơn vị khác vi phạm Điều kiện tiên quyết có đúng không?


Trả lời:


- Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu, nhà thầu tham gia đấu thầu độc lập hoặc cùng với một hoặc nhiều nhà thầu khác tham gia đấu thầu trong một đơn dự thầu được gọi là nhà thầu liên danh. Gọi là Thỏa thuận liên danh hay Hợp đồng liên danh đều phù hợp vì bản chất nó là sự thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên khi dự thầu dưới một danh nghĩa chung và phải được lập thành văn bản.


- Theo quy định thì một thoả thuận liên danh được coi là hợp lệ khi nội dung của thỏa thuận phân định rõ quyền lợi, trách nhiệm, khối lượng công việc phải thực hiện và giá trị tương ứng của từng thành viên trong liên danh, kể cả người đứng đầu liên danh và trách nhiệm của người đứng đầu liên danh; chữ ký của các thành viên, con dấu (nếu có). Tuy nhiên, mục đích chung của việc phân chia là phải đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn vệ sinh môi trường….khi thực hiện gói thầu.


- Việc xem xét thỏa thuận liên danh có vi phạm các Điều kiện tiên quyết của gói thầu hay không cần được đối chiếu với các quy định cụ thể về Điều kiện tiên quyết nêu trong hồ sơ mời thầu.


Tham khảo tập hợp các tình huống hỏi đáp về Đấu thầu.
  • TAG :

Danh mục

Loading...