Hồ sơ mời thầu -Về cách xử lý tiên lượng mời thầu thiếu so với thiết kế

Hỏi

Trong Hồ sơ mời thầu (HSMT) có nêu hình thức hợp đồng trọn gói, yêu cầu nhà thầu chào giá theo bảng tiên lượng mời thầu và phải kiểm tra kỹ bản vẽ thiết kế. Nếu phát hiện thấy có chênh lệch thiếu (dư) thì lập bảng khối lượng riêng và chào riêng để Chủ đầu tư xem xét

Ở đây, giả thiết rằng nhà thầu đã chào hàng theo bảng tiên lượng mời thầu và có kèm theo bảng chào riêng cho phần khối lượng thiếu, Chủ đầu tư cũng kiểm tra và công nhận khối lượng thiếu đó là đúng và nếu bổ xung giá trị ứng với khối lượng thiếu thì vẫn chưa vượt giá gói thầu đã phê duyệt. Khi đưa về mặt bằng giá trong tổ chuyên gia đấu thầu có 2 quan điểm như sau:

Quan điểm 1: Chấm theo bảng tiên lượng mời thầu (vì đây là đề bài thi) mà không xét đến phần khối lượng thừa thiếu. Chỉ đưa về mặt bằng trong phạm vi tiên lượng của HSMT. Sau khi xác định nhà thầu trúng thầu, mời nhà thầu này đến để trao đổi về phần khối lượng thừa/ thiếu. Sauk hi thống nhất và được xác nhận là đúng thì sẽ ký Hợp đồng bao gồm giá dự thầu + chi phí cho khối lượng thừa/ thiếu.

Làm như vậy lại trái với quy định “giá ký Hợp đồng không vượt giá trúng thầu” như quy định trong Luật. Hay là phải ký thêm Phụ lục bổ sung hợp đồng?

Quan điểm 2: Chủ đầu tư lấy phần khối lượng thiếu đó cộng thêm cho tất cả các nhà thầu tham gia dự thầu (kể cả nhà thầu không phát hiện phần khối lượng thiếu) để đưa về mặt bằng giá. Rồi xác định giá đánh giá để xếp hạng và chọn nhà thầu trúng thầu.

Như vậy lại mâu thuẫn với việc “chấm thầu phải căn cứ vào HSMT tức là trên đề bài thi đưa ra”.

Hai quan điểm trên thì quan điểm nào đúng? Và cách xử lý đúng là thế nào?

Trả lời:

Tình huống do bạn nêu ra là thuộc gói thầu xây lắp. HSMT đối với gói thầu mà bạn đề cập là phù hợp với Mẫu HSMT xây lắp ban hàng kèm theo TT01/BKH, ngày 6/1/2010 của Bộ KH&ĐT. Theo đó tại Mục 16, giá dự thầu và biểu giá quy định khi phát hiện tiên lượng chưa chính xác so với thiết kế, nhà thầu lập bảng chào giá riêng để chủ đầu tư xem xét, không đưa vào giá dự thầu.

Vì HSMT là căn cứ pháp lý (đề bài thi) nên việc đánh giá HSDT phải căn cứ vào Tiêu chuẩn đánh giá và các yêu cầu trong HSMT (Điều 28 Luật Đấu thầu) nhằm so sánh, xếp hạng các HSDT và cuối cùng là để chọn được nàh thầu trúng thầu. Với quy định như vậy thì quan điểm 1 là hoàn toàn phù hợp. Quy định “giá ký hợp đồng không vượt giá trúng thầu” (Điều 46 Luật Đấu thầu được sửa đổi bổ xung bởi Luật số 38) là nhằm hạn chế sự tùy tiện trong việc ký Hợp đồng sử dụng tiền nhà nước. Điều này hoàn toàn thực hiện được nếu HSMT là chuẩn mực, tiên lượng bóc từ bản vẽ thiết kế là đầy đủ, chính xác.

Nhưng thực tế, trong nhiều gói thầu xây lắp cho thấy tiên lượng mời thầu thường không chuẩn xác (bóc thiếu). Do vậy trong NĐ85/CP (Điều 70 Khoản 9), trong Mẫu HSMT Xây lắp (Mục 36) cho phép chủ đầu tư được quyền xử lý đối với những khối lượng công việc ngoài phạm vi công việc trong HSMT miễn là không làm vượt Tổng mức đầu tư đã duyệt cho Dự án.

Có 2 quan điểm khác nhau mà “Quan điểm 1” là phù hợp thì “Quan điểm 2” là không phù hợp, không thể áp dụng do:

-          Khối lượng thiếu (so với tiên lượng mời thầu) được chủ đầu tư kiểm tra và xác nhận lại là nội dung chưa có trong HSMT. Việc cộng thêm đối tượng thiếu nhân với đơn giá của từng nhà thầu (thường có đơn giá khác nhau) sẽ tạo nên sự so sánh không công bằng. Nói khác đi thực hiện theo cách này tức là đã bổ xung, sửa đổi HSMT khi chấm thầu dẫn đến đã thay đổi đầu bài thì sao còn gọi là minh bạch, công bằng.

-          Có những khối lượng thiếu của tiên lượng mời thầu không thể xác định ngay trong quá trình đánh giá HSDT. Do cần có thời gian (nhất là đối với các sai khác lớn) nên việc này thường để vào giai đoạn thương thảo, hoàn thiện hợp đồng. Khi đó đơn vị tư vấn (lập thiết kế, bóc tiên lượng, lập dự toán) được mời đến cùng Chủ đầu tư, nhà thầu trao đổi về khối lượng thiếu này để đưa ra 1 kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên điều cần lưu ý là hình thức hợp đồng nêu trong HSMT cho gói thầu là trọn gói. Theo Điều 49 Luật Đấu thầu thì hợp đồng trọn gói chỉ áp dụng cho những công việc được xác định rõ về số lượng, khối lượng. Đối với các công trình xây lắp thường rất khó đảm bảo điều kiện này, có chăng chỉ đối với phần nổi (trên mặt đất) của công trình. Các công việc trong lòng đất (đặc biệt khi xuống sâu) thì khó có ai có thể khẳng định chính xác số lượng, khối lượng công việc sẽ được thực hiện, nghĩa là không đủ điều kiện áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói.

Mặt khác theo NĐ 85/CP (Điều 48 về hợp đồng trọn gói đối với xây lắp) quy định “sau khi hợp đồng theo hình thức trọn gói được ký kết, khối lượng công việc thực tế nhà thầu đã thực hiện để hoàn thành theo thiết kế (nhiều hơn hay ít hơn khối lượng công việc nêu trong hợp đồng) không ảnh hưởng với số tiền thanh toán cho nhà thầu” và “chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác của số lượng, khối lượng công việc. Trong trường hợp có tính thất thoát xảy ra (do tính toán sai số lượng, khối lượng công việc) thì cá nhân, tổ chức thuộc Chủ đầu tư làm sai có trách nhiệm đền bù và xử lý theo quy định của pháp luật”. Rõ rang hợp đồng trọn gói nêu trong HSMT đối với trường hợp này cần được xem xét lại, có thể không đủ điều kiện để áp dụng.

Tóm lại khi tham gia các hoạt động đấu thầu, khi lập HSMT, đánh giá HSDT cần nghiên cứu để nắm vững không chỉ Luật, Nghị định, các Thông tư ban hành kèm theo Mẫu HSMT mà còn đòi hỏi kỹ năng xử lý tình huông để đảm bảo được các mục tiêu của Luật Đấu thầu.

 
  • TAG :

Danh mục

Loading...