Bảo đảm dự thầu trong chào hàng cạnh tranh

Hỏi:

Tại sao trong chào hàng cạnh tranh (với gói thầu  <2 tỷ đồng) mà hồ sơ lại không nêu bảo đảm dự thầu để đảm bảo tính minh bạch, hạn chế việc sử dụng “quân xanh”, “quân đỏ” ?

Trả lời:

Nội dung bảo đảm dự thầu đối với Nhà thầu tham gia đấu thầu được quy định tại Đ27 Luật Đấu thầu, theo đó đối với đấu thầu dịch vụ tư vấn không quy định về bảo đảm dự thầu.

Thuật ngữ “tham gia đấu thầu” được định nghĩa tại Đ2 khoản 6 NĐ85/CP, cụ thể định nghĩa: “tham gia đấu thầu là việc Nhà thầu tham gia các cuộc đấu thầu rộng rãi hoặc hạn chế”

Như vậy theo Luật Đấu thầu chỉ quy định áp dụng bảo đảm dự thầu trong hai hình thức lựa chọn Nhà thầu là đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế (nhưng trừ các gói dịch vụ tư vấn).

Trên cơ sở quy định nêu trên, nên trong NĐ85/CP tại Đ43 khoản 1 hướng dẫn thực hiện chào hàng cạnh tranh ghi “không nêu yêu cầu về bảo đảm dự thầu trong HSYC đối với chào hàng cạnh tranh trong MSHH”.

Mục tiêu của công tác đấu thầu là minh bạch, công bằng cạnh tranh và hiệu quả. Vì vậy việc chống hiện tượng “quân xanh”, “quân đỏ” là việc làm tất yếu để đạt được các mục tiêu của công tác đấu thầu.

Tuy nhiên trong hình thức chào hàng cạnh tranh do hàng hóa cung cấp là thông dụng, sẵn có trên thị trường, gói thầu có giá trị không lớn (<2 tỷ đồng) nên Nhà thầu này không cung cấp thì Nhà thầu kia cung cấp. Hàng hóa thông dụng thì giá cả thường ít chênh nhau. Nghĩa là sự rủi ro trong việc cung cấp hàng hóa và thiệt hại (nếu có) xảy ra (khi Nhà thầu trúng chào hàng không thực hiện ký Hợp đồng) là nhỏ nên trong Luật đấu thầu không yêu cầu Nhà thầu thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu.

Để  ngăn ngừa việc Nhà thầu thiếu trách nhiệm khi tham gia chào hàng, trong Luật số 38/2009/QH12, 19/06/2009 có bổ sung vào Đ75 Luật đấu thầu một số hành vi của Nhà thầu sẽ bị “cảnh cáo”, cụ thể:

-         Nhà thầu trúng thầu nhưng cố tình không tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng hoặc đã thương thảo, hoàn thiện hợp đồng nhưng không ký.

-         Nhà thầu đã ký hợp đồng nhưng cố tình không thực hiện một phần hay toàn bộ hợp đồng.

-         Nhà thầu thực hiện gói dịch vụ tư vấn, MSHH, xây lắp hoặc gói thầu EPC không đảm bảo chất lượng và tiến độ theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Đồng thời trong Luật số 38 cũng nâng mức phạt cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các tổ chức, cá nhân (trong đó có Nhà thầu) có từ 3 hành vi vi phạm trở lên bị cảnh cáo.

Đây sẽ là biện pháp tích cực để chống lại các hành vi mà bạn đang quan tâm./.

 
  • TAG :

Danh mục

Loading...