Căn cứ lập kế hoạch đấu thầu
1. Quyết định đầu tư và các tài liệu để ra quyết định đầu tư;
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư. Đối với các công việc chuẩn bị dự án thì căn cứ theo quyết định của người đứng đầu cơ quan chuẩn bị dự án.
2. Điều ước quốc tế hoặc văn bản thỏa thuận quốc tế đối với các dự án sử dụng vốn ODA.
3. Thiết kế dự toán được duyệt (nếu có).
4. Nguồn vốn cho dự án.
5. Các văn bản pháp lý khác liên quan (nếu có).
Nội dung của từng gói thầu trong kế hoạch đấu thầu
Việc phân chia dự án thành các gói thầu được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Luật Đấu thầu, bảo đảm quy mô gói thầu không quá nhỏ hoặc quá lớn làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Nội dung của từng gói thầu bao gồm:
1. Tên gói thầu
Tên gói thầu thể hiện tính chất, nội dung và phạm vi công việc của gói thầu, phù hợp với nội dung nêu trong dự án. Trường hợp đủ điều kiện và căn cứ đặc thù của dự án, gói thầu có thể bao gồm các nội dung công việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt (nhiều lô), trong kế hoạch đấu thầu cần nêu tên của từng phần.
2. Giá gói thầu
Giá gói thầu (bao gồm cả dự phòng) được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc tổng vốn đầu tư, dự toán được duyệt (nếu có) và các quy định liên quan. Đối với các gói thầu dịch vụ tự vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, giá gói thầu được xác định trên cơ sở các thông tin sau: giá trung bình theo thống kê các dự án đã thực hiện liên quan của ngành trong khoảng thời gian xác định; ước tính tổng mức đầu tư theo định mức suất đầu tư của các dự án thuộc từng lĩnh vực chuyên ngành; sơ bộ tổng mức đầu tư.
3. Nguồn vốn
Đối với mỗi gói thầu phải nêu rõ nguồn vốn hoặc phương thức thu xếp vốn để thanh toán cho nhà thầu; trường hợp sử dụng vốn ODA thì phải nêu rõ tên nhà tài trợ vốn và cơ cấu nguồn vốn (ngoài nước, trong nước).
4. Hình thức lựa chọn nhà thầu và phương thức đấu thầu
Nêu hình thức lựa chọn nhà thầu (trong nước, quốc tế, sơ tuyển nếu có) theo quy định từ Điều 18 đến Điều 24 của Luật Đấu thầu và Điều 97 của Luật Xây dựng; phương thức đấu thầu theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu. Trường hợp cần áp dụng sơ tuyển đối với các gói thầu không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 32 của Luật Đấu thầu, cần áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách nhà thầu để mời tham gia đấu thầu tư vấn và cần lựa chọn tư vấn cá nhân thì người quyết định đầu tư quy định trong kế hoạch đấu thầu.
5. Thời gian lựa chọn nhà thầu
Nêu thời gian tổ chức thực hiện việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu để bảo đảm tiến độ của gói thầu.
6. Hình thức hợp đồng
Tùy theo tính chất của gói thầu, xác định các hình thức hợp đồng áp dụng đối với hợp đồng cho gói thầu theo quy định từ Điều 49 đến Điều 53 của Luật Đấu thầu và Điều 107 của Luật Xây dựng.
7. Thời gian thực hiện hợp đồng
Thời gian thực hiện hợp đồng phải bảo đảm việc thực hiện gói thầu phù hợp với tiến độ thực hiện dự án.