Đề xuất nhân sự trong hồ sơ dự thầu (HSDT)

Một tình huống về Mua sắm hàng hóa thiết bị xảy ra trong thực thế như sau:



Trong hồ sơ dự thầu (HSDT) của 2 nhà thầu A và B có để xuất cùng chung một cán bộ tham gia vào gói thầu là ông Nguyễn Văn A. Ông A này vừa ký hợp đồng làm cho công ty A lại vừa ký hợp đồng cho công ty B. Khi xét HSDT của công ty A và công ty B thì 2 hồ sơ này bị loại vì lý do là 2 HSDT của 2 công ty này đều có tên ông Nguyễn Văn A (mặc dù giá của công ty A là thấp nhất , rồi mới tới công ty B ).


Hỏi:

Kết luận của Chủ đầu tư trong việc đánh giá HSDT như trên có phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu.


Trả lời:


Theo quy định của Luật Đấu thầu Điều 28 việc đánh giá HSDT phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT và các yêu cầu khác trong HSMT để đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu. Ngoài ra, việc đánh giá HSDT còn phải căn cứ vào HSDT đã nộp các tài liệu giải thích và làm rõ HSDT của nhà thầu.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 của Nghị định 58/2008/NĐ-CP trong tiêu chuẩn đánh giá HSDT gói thầu mua sắm hàng hóa bao gồm yêu cầu về khả năng lắp đặt và năng lực cán bộ kỹ thuật và các yếu tố khác. Đồng thời , Mẫu HSMT mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo Quyết định số 1118/2008/QĐ -BKH ngày 22/5/2007 ( hiện được thay thế bằng Quyết định số 1118/2008/ĐQ-BKH ngày 03/9/2008 ) của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng quy định trong tiêu chuẩn đánh giá về nội dung bố trí cán bộ kỹ thuật. Như vậy, khi xây dựng HSMT chủ đầu tư cần bám sát các quy định hiện hành về việc lập HSMT và đảm bảo cho phù hợp với yêu cầu cụ thể của gói thầu.

Đối với nhà thầu, khi xây dựng HSDT cần tuân thủ theo đúng các yêu cầu của HSMT và tiêu chuẩn đánh giá nêu trong HSMT. Trường hợp HSDT không đáp ứng được các yêu cầu quan trọng nêu trong HSMT thì HSDT đó sẽ bị loại. Như vậy, trong trường hợp nêu trên, nếu HSMT không quy định việc các nhà thầu cùng đề xuất cán bộ chủ chốt giống nhau là vi phạm yêu cầu quan trọng thì việc loại bỏ 2 HSDT của nhà thầu A và nhà thầu B của chủ đầu tư là không phù hợp.

Về vấn đề này chúng ta cùng phân tích một cách kỹ hơn đối với việc tham gia của một nhân sự vào 2 HSDT gói thầu mua sắm hàng hóa của 2 nhà thầu khác nhau. Trong gói thầu mua sắm hàng hóa, nhân sự tham gia vào thực hiện gói thầu chủ yếu là nhân sự làm nhiệm vụ quản lý, giám sát việc cung ứng hàng hóa hoặc cán bộ tham gia trực tiếp trong khâu lắp đặt ( nếu gói thầu có yêu cầu lắp đặt) hoặc trong khâu đào tạo chuyển giao công nghệ (nếu có). Những cán bộ này có thể là do chính nhà thầu quản lý (thuộc sự quản lý của nhà thầu).hoặc cũng có thể do nhà thầu thuê để thực hiện hợp đồng mua sắm hàng hóa này nếu trúng thầu. Vì vậy, những cán bộ này không bắt buộc phải là nhân viên của nhà thầu tham dự thầu, nếu có thể cùng một lúc được nhiều nhà thầu thuê để tham dự vào HSDT của mình. Điều này không ảnh hướng tới việc thực hiện hợp đồng, vì chỉ có một nhà thầu trúng thầu nên không rơi vào trường hợp nhân sự này bị trùng lắp về thời gian trong quá trình thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu nhà thầu thuê nhân sự từ bên ngoài tổ chức của mình cần có đầy đủ thông tin về việc nhân sự này đảm bảo đủ quỹ thời gian để tham gia thực hiện gói thầu này. Đồng thời, khi đánh giá các HSDT có thể đề xuất cùng một nhân sự vào một vị trí của gói thầu mua sắm hàng hóa, bên mời thầu nên kiểm tra kỹ để tránh trường hợp các nhà thầu thông đồng trong đấu thầu. Nếu không có dấu hiệu thông đồng của các nhà thầu này và đồng thời trong HSMT không có quy định cụ thể về việc loại bỏ các HSDT vì đề xuất cùng một nhân sự cho một vị trí công việc thì HSDT đó không thể bị loại.

Liên quan đến câu hỏi nêu trên, mặc dù thông tin đưa ra chưa đầy đủ về quy định của HSMT và tiêu chuẩn đánh giá, cùng các thông tin về vị trí công việc của ông Nguyên Văn A nên điều cần nhấn mạnh là khi đánh giá HSDT, bên mời thầu cần căn cứ vào nội dung yêu cầu của HSMT, tiêu chuẩn đánh giá và HSDT của nhà thầu để đảm bảo cuộc đấu thầu được minh bạch và khách quan.
  • TAG :

Danh mục

Loading...