(Davilaw) - Nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc thiết lập mối quan hệ công nghiệp quốc phòng với Ấn Độ đã gặp một thoái hộ lớn: không lực Ấn Độ đã loại các công ty sản xuất phi cơ Mỹ ra khỏi cuộc tranh đua cung cấp chiến đấu cơ phản lực thế hệ mới cho nước họ.
Hình: AP
Chiến đấu cơ của Mỹ - F/A-18 Super Hornet cất cánh từ hàng không mẫu hạm USS George Washington trong cuộc thao diễn quân sự Mỹ-Nhật
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứù Năm, ông Timothy Roemer, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ sắp ra đi nói rằng Hoa Kỳ hết sức thất vọng khi biết rằng Ấn Độ không còn xét tới hai kiểu chiến đấu cơ tân tiến của Mỹ trong chương trình hiện đại hóa không lực của họ trị giá 10 tỉ đô la.
Tuyên đó được đưa ra vài giờ sau khi ông Roemer chính thức loan báo từ chức vì “lý do cá nhân.”
Ấn Độ cũng bác bỏ các phi cơ của Nga và Thụy Điển, khiến các phi cơ Eurofighter của Anh và Dassault Rafale của Pháp còn lại trong danh sách chung kết các công ty có thể được chọn để cung cấp 126 chiến đấu cơ theo đơn đặt hàng của Ấn Độ.
Các chiến đấu cơ của Mỹ -loại F/A-18 Super Hornet của hãng Boeing và F-16 của hãng Lockheed Martin - bị loại vì điều các giới chức Ấn Độ mô tả là không hội đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.
Việc bác bỏ vừa kể có thể bị nhiều người tại Washington coi là một sự mất mặt. Tổng Thống Obama đã đích thân vận động các giới chức cao cấp của Ấn Độ khi ông tới thăm New Delhi hồi năm ngoái. Các giới chức cao cấp Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã mường tượng hợp đồng này là nền tảng trong công cuộc hợp tác chiến lược ngày càng phát triển giữa hai nước.
Nhưng ông Chintamani Mahapatra, một giáo sư chuyên nghiên cứu về Hoa Kỳ tại Trường Đại Học Jawaharlal Nehru ở Delhi, nói rằng chuyện này chỉ mang ý nghĩa buôn bán mà thôi.
Ông nói: “Quyết định của chính phủ Ấn Độ không liên quan tới quan hệ chiến lược Ấn Độ - Hoa Kỳ chút nào cả. Công ty nào xứng đáng sẽ nhận được hợp đồng đó.”
Giáo sư Mahapatra nêu lên rằng Ấn Độ mở một cuộc đấu thầu công khai và không có nghĩa vụ đối với một quốc gia đặc biệt nào cả. Ông nói rằng trong một thế giới ngày càng nguy hiểm, không có lý do gì để Hoa Kỳ và Ấn Độ lảng xa nhau.
Ông nói tiếp: “Tôi nghĩ đây sẽ không phải một thoái bộ quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Có thể nó chỉ là một sự trục trặc cực kỳ nhỏ có tính cách chuyển tiếp.”
Ấn Độ sẽ chi hằng chục tỉ đô la để nâng cấp khả năng quốc phòng của họ, chủ yếu là để đề phòng nước kình địch Pakistan ở phía Tây, và đối tác chiến lược của Pakistan là Trung Quốc ở phía Đông.
Không lực Ấn Độ chưa công khai tuyên bố về tiêu chuẩn nào mà họ đã sử dụng trong việc loại bỏ các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ.
Ông Jasjit Singh, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Không Lực tại New Delhi, thắc mắc không biết có phải sự phức tạp của các tiêu chuẩn trong cuộc tranh đua này đã khiến các nhà kế hoạch không nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh rộng lớn hơn hay không.
Ông nói: “Nếu để cho tôi chọn lựa thì lẽ ra đã khác ...Vào thời điểm này của lịch sử, Hoa Kỳ quan trọng hơn nhiều đối với Ấn Độ so với bất cứ quốc gia Âu Châu nào khác - vì lý do đơn giản là các quốc gia Châu Âu không có khả năng kinh tế, công nghệ, hoặc bất cứ gì khác có thể sánh được với các khả năng của Hoa Kỳ.”
Tuyên bố hôm thứ Năm của Sứ quán Hoa Kỳ tại Delhi nói rằng các giới chức Ấn mua chiến đấu cơ sẽ “minh bạch và công bằng.” Tuyên bố cho biết thêm rằng Washington trông đợi sẽ tiếp tục gia tăng và phát triển quan hệ quốc phòng với Ấn Độ.