Năng lực kinh nghiệm là của tổng công ty hay đơn vị thành viên ?

Trường hợp 1: Tổng công ty A (Công ty mẹ) có một số công ty con do Công ty mẹ giữ cổ phần chi phối và một số công ty liên kết (Công ty mẹ không giữ cổ phần chi phối).
Trường hợp 2: Tổng công ty B có một số đơn vị thành viên bao gồm đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, đơn vị hạch toán phụ thuộc, đơn vị sự nghiệp và văn phòng đại diện ở nước ngoài.
Hỏi:
1. Trong cả hai trường hợp trên, khi các Tổng công ty này tham dự thầu có được kê khai trong hồ sơ dự thầu (HSDT) về kinh nghiệm và năng lực của các công ty con, công ty liên kết và các đơn vị thành viên hay không? Nói cách khác, kinh nghiệm và năng lực của công ty con, công ty liên kết hay các đơn vị thành viên có được tính vào kinh nghiệm và năng lực của Tổng công ty hay không?
2. Trường hợp một đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty B được chuyển đổi thành Công ty C có tư cách pháp, hoạch toán độc lập thì kinh nghiệm và năng lực của Công ty C được đánh giá như thế nào? Công ty C có được kế thừa kinh nghiệm và năng lực của Tổng công ty B không?

Trả lời:
Trước khi trả lời trực tiếp vào hai câu hỏi trên, chúng ta cần thống nhất rằng việc xác định kinh nghiệm và năng lực của một nhà thầu là nhằm mục tiêu xác định khả năng huy động và trực tiếp thực hiện công việc của nhà thầu đó, tức là xác định thực lực của nhà thầu có thể huy động để thực hiện gói thầu; Tránh tình trạng nêu kinh nghiệm và năng lực nhưng thực tế lại không huy động được để sử dụng hoặc không giao nhiệm vụ cho thành viên có năng lực thực hiện công việc.
1. Đối với hai trường hợp nêu trên, khi xem xét, đánh giá kinh nghiệm và năng lực của từng Tổng công ty (A hoặc B), cần phải xem xét theo các khía cạnh sau:
a) Trường hợp các công ty con, công ty liên kết (đối với Tổng công ty A) hoặc các đơn vị thành viên (đối với Tổng công ty B) là các đơn vị phụ thuộc của Tổng công ty (đơn vị phụ thuộc của pháp nhân) thì kinh nghiệm và năng lực của Tổng công ty bao gồm cả kinh nghiệm và năng lực của các đơn vị này. Khi tham dự thầu, Tổng công ty được sử dụng kinh nghiệm và năng lực của các đơn vị này để kê khai trong HSDT của mình.
b) Trường hợp các công ty con, công ty liên kết (đối với Tổng công ty A) hoặc các đơn vị thành viên (đối với Tổng công ty B) là các đơn vị có đủ tư cách hợp lệ theo quy định tại Điều 7 Luật Đấu thầu, cụ thể là: (1) có đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập; (2) hạch toán kinh tế độc lập; (3) không bị kết luận về tình hình tài chính không lành mạnh, phá sản, nợ đọng hoặc giải thể thì kinh nghiệm và năng lực của Tổng công ty được tính cả kinh nghiệm và năng lực của Tổng công ty được tính cả kinh nghiệm và năng lực của Tổng công ty được tính cả kinh nghiệm và năng lực của các đơn vị này nếu các đơn vị này cùng tham gia thực hiện gói thầu mà Tổng công ty tham dự thầu. Trường hợp này, trong HSDT của Tổng công ty phải kê khai rõ trách nhiệm, quyền hạn và phạm vi công việc mà mỗi đơn vị (công ty con, công ty liên kết hoặc các đơn vị thành viên) đảm nhiệm trong gói thầu.
c) Trường hợp Tổng công ty và các đơn vị thành viên (là các đơn vị có đủ tư cách hợp lệ theo quy định tại Điều 7 Luật Đấu thầu) cùng tham gia đấu thầu một gói thầu thì kinh nghiệm và năng lực của Tổng công ty kê khai trong HSDT của mình không được tính kinh nghiệm và năng lực của các đơn vị thành viên đó. Mặt khác, các đơn vị thành viên cũng chỉ được kê khai kinh nghiệm và năng lực của đơn vị mình trong HSDT, không được kê khai kinh nghiệm và năng lực của Tổng công ty hay của các đơn vị thành viên khác.
Tóm lại, khi kê khai kinh nghiệm và năng lực trong HSDT thì chỉ kê khai kinh nghiệm và năng lực của các đơn vị được giao trực tiếp thực hiện gói thầu.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 100 Luật Xây dựng, đối với gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình sử dụng vốn nhà nước áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế thì không cho phép 2 doanh nghiệp trở lên thuộc cùng một Tổng công ty, Tổng công ty với công ty thành viên, công ty mẹ và công ty con, doanh nghiệp liên doanh với một bên góp vốn trong liên doanh cùng tham gia đấu thầu trong một gói thầu.
2. Trường hợp một đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty B được chuyển đổi thành Công ty C theo các khía cạnh sau:
- Trước hết, Công ty C phải là đơn vị đáp ứng yêu cầu về tư cách hợp lệ của nhà thầu theo quy định tại Điều 7 Luật Đấu thầu.
- Kinh nghiệm và năng lực của Công ty C được xem xét, đánh giá trên cơ sở tách ra từ tinh nghiệm và năng lực của Tổng công ty B. Tuy nhiên, phải lưu ý tách phần kinh nghiệm và năng lực thực tế mà Công ty C đã có trước đó khi tham gia thực hiện các gói thầu của Tổng công ty B chứ không được lấy phần kinh nghiệm và năng lực nằm ngoài phạm vi đóng góp, tham gia của Công ty C. Tóm lại, khi xem xét, đánh giá kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu nói chung và các Tổng công ty nói riêng cần phải dựa vào bản chất của việc đấu thầu là lựa chọn được nhà thầu có khả năng thật sự (có đủ kinh nghiệm và năng lực, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu) theo đúng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Có như vậy mới đảm bảo công bằng, khách quan trong quá trình xét thầu và mới huy động được năng lực thực tế của nhà thầu để thực hiện gói thầu. Làm tốt việc này sẽ góp phần ngăn chặn được hiện tượng nhà thầu kê khai kinh nghiệm và năng lực rất cao nhưng thực tế huy động lại không phải như vậy, từ đó giúp cho việc thực hiện gói thầu đảm bảo chất lượng và tiến độ.

 
  • TAG :

Danh mục

Loading...