Sự ràng buộc giữa các “bên” tham gia hoạt động Xây dựng

Trong mọi hình thức đấu thầu, chọn thầu hay chỉ định thầu, sau khi bên nhận thầu được khẳng định, thì giữa chủ đầu tư và nhà thầu phải tiến hành ký kết hợp đồng chính thức. Về vấn đề hợp đồng giao nhận thầu cần chú ý các điểm sau đây :

a. Về khái niệm hồ sơ hợp đồng : đó là một tập hợp các văn bản và tài liệu có giá trị pháp lý để ràng buộc trách nhiệm cụ thể đối với mỗi bên tham gia. Hồ sơ hợp đồng bao gồm hợp đồng xây dựng, các tài liệu kèm theo và các tài liệu bổ sung trong quá trình thực hiện hợp đồng.

b. Về các loại hợp đồng: Tuỳ theo quy mô tính chất, điều kiện thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, loại công việc, các mối quan hệ giữa các bên, hợp đồng trong hoạt động xây dựng có thể có nhiều loại với nội dung khác nhau: Hợp đồng tư vấn xây dựng; Hợp đồng cung ứng, vật tư thiết bị xây dựng; Hợp đồng thi công xây dựng; Hợp đồng thiết kế – cung ứng vật tư thiết bị – thi công xây dựng (viết tắt là EPC); Hợp đồng chìa khoá trao tay (thực hiện trọn gói từ lập dự án, thiết kế, cung ứng vật tư thiết bị đến thi công xây dựng)

Hợp đồng xây dựng có thể tiến hành cho toàn bộ công trình, cho từng hạng mục công trình hay cho một loại công việc xây dựng.

Hợp đồng xây dựng có thể ký kết giữa chủ đầu tư với chủ dự án, với tổng thầu, thầu chính; hay ký kết giữa tổng thầu (hay thầu chính) với các thầu phụ.

c. Về nội dung hợp đồng: tùy theo từng trường hợp cụ thể nội dung hợp đồng có thể khác nhau, nhưng nói chung nó gồm các bộ phận chính như :

- Thông tin về hợp đồng và các bên tham gia ký kết hợp đồng

- Định nghĩa và diễn giải

- Luật và ngôn ngữ sử dụng cho hợp đồng

- Loại tiền thanh toán

- Khối lượng công việc

- Giá hợp đồng xây dựng

- Tạm ứng hợp đồng

- Thanh toán hợp đồng xây dựng

- Điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng

- Tiến độ thực hiện và thời hạn hoàn thành dự án

- Bảo đảm thực hiện hợp đồng

- Quyền và nghĩa vụ các bên


Ở các nước tư bản nội dung hợp đồng xây dựng thường có các phần như : Bản hợp đồng, thông báo trúng thầu, đơn vị dự thầu và các phụ lục, thuyết minh kỹ thuật, bản tiên lượng và dự toán, các bản vẽ thiết kế, các biểu mẫu thông tin bổ sung, các điều kiện chung của hợp đồng, các điều kiện riêng của hợp đồng. Nếu là công trình đấu thầu thì ngoài hồ sơ trên còn có hồ sơ đấu thầu kèm theo (như thông báo mời thầu, hướng dẫn đấu thầu, giấy bảo lãnh dự thầu, giấy chứng nhận năng lực và tư cách hành nghề của nhà thầu v.v…).

d. Về vấn đề giá trong hợp đồng: Có một số hình thức giá của hợp đồng như sau:

- Giá hợp đồng trọn gói: là giá hợp đồng xây dựng không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng đối với công việc thuộc phạm vi hợp đồng đã ký kết. Giá hợp đồng trọn gói được áp dụng cho công trình, gói thầu đã xác định rõ về khối lượng, chất lượng và thời gian thực hiện hoặc trường hợp không xác định được khối lượng và bên nhận thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và tài liệu tính toán, xác định trọn gói và chấp nhận rủi ro liện quan đến việc xác định giá trọn gói.

- Giá hợp đồng theo đơn giá cố định là giá hợp đồng được xây dựng trên cơ sở khối lượng tạm tính và đơn giá từng công việc trong hợp đồng là cố định, không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Giá hợp đồng theo đơn giá cố định được áp dụng cho các công trình hoặc gói thầu không đủ điều kiện để xác định chính xác khối lượng nhưng đủ điều kiện để xác định đơn giá các công việc và bên nhận thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, tài liệu tính toán để xác định đơn giá xây dựng cố định và các rủi ro liên quan đến việc xác định đơn giá. Đơn giá cố định có thể là đơn giá đầy đủ đối với các công việc thi công xây dựng hoặc đơn giá nhân công theo thời gian đối với một số công việc tư vấn.

- Giá hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh: Là giá hợp đồng xây dựng được phép điều chỉnh về khối lượng và đơn giá của từng loại công việc được quy định trong hợp đồng xây dựng. Giá hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh được áp dụng cho công trình hoặc gói thầu tại thời điểm ký kết hợp đồng không đủ điều kiện để xác định chính xác về khối lượng công việc cần thực hiện và các yếu tố chi phí để xác định đơn giá thực hiện công việc.

- Giá hợp đồng kết hợp: Là giá hợp đồng được xác định theo các hình thức trên. Giá hợp đồng kết hợp đước áp dụng cho các công trình hoặc gói thầu có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp và thời gian xây dựng kéo dài.

e. Về vấn đề tạm ứng, thanh quyết toán và tranh chấp: Ở các nước tư bản, khi bắt đầu xây dựng chủ đầu tư thường tạm ứng trước cho nhà thầu một khoản tiền nhất định để mua vật tư. Việc thanh toán thường tiến hành hàng tháng. Đơn giá thanh toán là đơn giá đầy đủ bao gồm cả trực tiếp phí, phụ phí, thuế lãi. Mỗi lần thanh toán chủ đầu tư thường giữ lại một số % nhất định so với giá trị thanh toán mỗi lần để thúc đẩy nhà thầu hoàn chỉnh nốt khối lượng. Khi bàn giao công trình chủ đầu tư có thể giữ lại một số % giá trị công trình để thanh toán nốt vào cuối thời gian bảo hành công trình.

Chủ đầu tư có thể đề ra qui định thưởng cho nhà thầu về bảo đảm chất lượng, rút ngắn thời gian xây dựng, hạ giá thành. Trong hợp đồng luôn luôn có qui định về phạt do không bảo đảm tiến độ thi công. Nếu tổng mức phạt đạt đến một số phần trăm đáng kể (5- 1 0% giá trị công trình) thì chủ đầu tư có thể chấm dứt hợp đồng và giao cho nhà thầu khác thực hiện tiếp hợp đồng.

Khi có vấn đề tranh chấp thì hai bên phải tiến hành đàm phán thỏa thuận. Nếu không phải đưa ra hội đồng trọng tài hoặc tòa án giải quyết. Các vấn đề tranh chấp quốc tế sẽ được xử theo “Luật hòa giải và trọng tài” của phòng thương mại quốc tế và tòa án tối cao quốc tế ở Thụy Sĩ.


Xem thông tư 06/2007/TT-BXD ngày 25-07-2007 về hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
  • TAG :

Danh mục

Loading...