Vẫn còn mang tính hình thức

Davilaw) - Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến mức độ lạm phát của cả nền kinh tế. Báo cáo tổng hợp về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2010 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố cho thấy, vấn đề quản lý và giám sát các dự án đầu tư bằng vốn nhà nước vẫn rất đáng lo ngại.

 

Bộ KH&ĐT ghi nhận được sự tiến bộ trong việc chấp hành chế độ báo cáo của các bộ, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Số lượng báo cáo Bộ KH&ĐT nhận được từ các đơn vị này, tính đến ngày 18-4-2011, tăng hẳn so với các năm trước đó. Tuy nhiên, đó chỉ là sự cải thiện về hình thức, trong khi yếu tố quan trọng là chất lượng được thể hiện thông qua nội dung của các bản báo cáo gửi lên, thì chưa có nhiều cải thiện, thậm chí một số điểm còn thụt lùi.

Theo Bộ KH&ĐT, đến cuối năm ngoái, cả nước có 34.607 dự án sử dụng ít nhất 30% vốn nhà nước đang thực hiện, trong đó 14.493 dự án mới được khởi công trong năm 2010, còn số kết thúc đầu tư và đưa vào khai thác là 10.612 dự án.

Điểm thụt lùi đáng ngại nhất có lẽ là tình trạng buông lỏng công tác giám sát tình hình thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ KH&ĐT cho thấy, tỷ lệ dự án có báo cáo giám sát trong năm ngoái chỉ đạt 58,8%, thấp hơn gần 9 điểm phần trăm so với năm trước đó. Số dự án được các bộ, ngành, địa phương... tổ chức kiểm tra, cũng chỉ chiếm 39,19%. Thực trạng này khiến cho một số cải thiện, mà Bộ KH&ĐT ghi nhận được thông qua các báo cáo, như số dự án chậm tiến độ hoặc phải điều chỉnh giảm, trở nên không còn ý nghĩa.

Sự buông lỏng này thậm chí diễn ra ngay cả với những dự án đầu tư có quy mô lớn (nhóm A), là những công trình có ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế cả về kinh tế lẫn xã hội. Số dự án nhóm A không có báo cáo giám sát lên đến 164 trong tổng số 465 dự án. Điều đáng ngại nữa là tình trạng chậm tiến độ của nhóm dự án quy mô lớn này đã tăng mạnh so với năm trước, với 90 công trình bị chậm. Đó là chưa kể đến 32 dự án đã phải điều chỉnh tiến độ đầu tư.

Từ 58,8% trong tổng số 34.607dự án đầu tư có báo cáo giám sát, Bộ KH&ĐT thống kê được đến 3.386 dự án bị chậm và 1.325 dự án phải điều chỉnh tiến độ. Bộ KH&ĐT nhận định: “Việc chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, khiến cho hiệu quả đầu tư giảm hoặc không còn và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế”. Thực tế, số dự án phải điều chỉnh vốn đầu tư trong năm ngoái lên đến 3.461, trong khi quy định về quản lý đầu tư hiện hành lại không cho phép điều chỉnh vượt tổng mức đầu tư trong trường hợp biến động giá và thay đổi chính sách.

Một số liệu đáng phải suy nghĩ khác là tỷ lệ chỉ định thầu trong các dự án nhóm A rất cao. Trong số 1.114 gói thầu của 135 dự án được đưa ra để lựa chọn nhà thầu trong năm ngoái, tỷ lệ chỉ định thầu chiếm đến 67,5%, trong khi số gói được đưa ra đấu thầu rộng rãi chỉ có 26,93%. Các dự án quy mô nhỏ hơn tuy không được ghi nhận trong báo cáo của Bộ KH&ĐT, nhưng nếu từ các dự án lớn suy ra, thì tỷ lệ chỉ định thầu ở các công trình đầu tư này cũng không ít. Chỉ định thầu có lợi điểm là rút ngắn được thời gian của giai đoạn chuẩn bị đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhưng đây cũng là kẽ hở rất dễ dẫn đến thất thoát và tham nhũng.

Với những thông tin ghi nhận được từ các báo cáo gửi về, Bộ KH&ĐT cho rằng: “Chất lượng báo cáo của các chủ đầu tư gửi đến các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, chưa báo cáo đầy đủ nội dung theo quy định, nhiều chủ đầu tư không báo cáo hoặc có nhưng mang tính hình thức, thiếu các thông tin chi tiết. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do công tác đánh giá, giám sát đầu tư triển khai tại các cơ quan và các chủ đầu tư chưa được quán triệt đầy đủ ...”.

Báo cáo giám sát là một trong những kênh thông tin giúp Chính phủ nắm bắt được tình hình triển khai cũng như hiệu quả của các dự án đầu tư bằng vốn nhà nước. Nhưng với những gì Bộ KH&ĐT thu thập được từ báo cáo của các chủ đầu tư, thì khó có thể nói những thông tin này hữu ích cho công tác quản lý, điều hành của Chính phủ. Do hạn chế bởi chất lượng thông tin thu thập được, báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư 2010 của Bộ KH&ĐT chủ yếu cung cấp thông tin mang tính chất thống kê về tình hình triển khai các dự án và đánh giá mức độ tuân thủ các quy định, thủ tục... trong quá trình thực hiện.

Trong khi đó, nội dung được cả Chính phủ và người dân kỳ vọng là phân tích, đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn, chất lượng công trình, khả năng tiền đầu tư của Nhà nước có bị thất thoát, lãng phí không... lại rất mờ nhạt. Toàn bộ báo cáo dày 9 trang của Bộ KH&ĐT chỉ có vỏn vẹn ba dòng, ghi nhận phát hiện 316 dự án có thất thoát, lãng phí, chiếm 0,91% tổng số dự án đang thực hiện đầu tư. Nếu phát hiện này phản ánh đúng thực tế, thì đây là số liệu rất đáng mừng. Còn trong trường hợp ngược lại, thì đây lại là con số nói lên tính hình thức của công tác giám sát các công trình đầu tư bằng vốn nhà nước.

Kiểm tra, giám sát là hoạt động mang tính độc lập. Đây là điều kiện tiên quyết để hoạt động này mang lại kết quả khách quan, trung thực. Nếu việc giám sát lại khoán trắng cho chủ đầu tư tự thực hiện, giống như kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, thì các báo cáo giám sát mà các bộ, ngành, địa phương nhận được chỉ mang tính hình thức là kết quả tất yếu.

Theo: Thời báo kinh tế Sài Gòn

 
  • TAG :

Danh mục

Loading...