Trong thời gian qua, trước tình hình nguồn vốn trong nước còn hạn chế, nhu cầu đầu tư lớn, nguồn vốn ODA đã đóng vai trò quan trọng, góp phần trong phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo, phát triển khoa học công nghệ, tăng cường thể chế và phát triển nguồn nhân lực của đất nước.
Bộ Xây dựng cũng đã rất tích cực trong việc vận động ODA và đã đạt được những kết quả nhất định về xây dựng và triển khai các chương trình, dự án ODA liên quan tới lĩnh vực phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật của ngành.
BỘ XÂY DỰNG
—————–
Số: 18 /BXD – HTKT
V/v: Quy trình quản lý và sử dụng ODA.
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————-
Hà Nội, ngày 7 tháng 01 năm 2009
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Trong thời gian qua, trước tình hình nguồn vốn trong nước còn hạn chế, nhu cầu đầu tư lớn, nguồn vốn ODA đã đóng vai trò quan trọng, góp phần trong phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo, phát triển khoa học công nghệ, tăng cường thể chế và phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Bộ Xây dựng cũng đã rất tích cực trong việc vận động ODA và đã đạt được những kết quả nhất định về xây dựng và triển khai các chương trình, dự án ODA liên quan tới lĩnh vực phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật của ngành.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nhận thấy còn tồn tại một số bất cập, chưa rõ ràng trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ban hành kèm theo Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2008 của Chính phủ.
1. Về xây dựng Danh mục chương trình, dự án yêu cầu tài trợ ODA:
Nghị định 131/2006/NĐ-CP quy định trình tự xây dựng Danh mục dự án yêu cầu tài trợ ODA như sau:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu, danh mục dự án yêu cầu tài trợ ODA của từng cơ quan để tổng hợp thành Danh mục yêu cầu tài trợ ODA trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Các Bộ, các địa phương chủ động đề xuất các chương trình, dự án có thể là dự án hỗ trợ kỹ thuật hoặc đầu tư xây dựng và dự kiến nhà tài trợ (kèm theo đề cương dự án) thuộc lĩnh vực hoặc địa phương do mình quản lý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến các cơ quan liên quan, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đàm phán với nhà tài trợ.
Thực tế thực hiện cho thấy còn thiếu sự phối hợp giữa cơ quan chủ quản với các cơ quan quản lý ngành. Một số địa phương thông qua các mối quan hệ, công ty tư vấn trong nước và quốc tế, làm việc trực tiếp với các nhà tài trợ để đề xuất dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khi Bộ quản lý ngành có liên quan nhận được văn bản hỏi ý kiến kèm theo đề cương dự án thông thường đều đồng ý về chủ trương do thực tế sự phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng của hầu hết các địa phương của nước ta còn yếu kém, thiếu vốn đầu tư, hơn nữa nhiều dự án địa phương đã mất nhiều thời gian chuẩn bị và đã được nhà tài trợ chấp thuận về nguyên tắc.
2. Về việc đàm phán, ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA:
Tuỳ theo tính chất nguồn vốn, cơ quan nào chủ quản chương trình, dự án ODA, Nghị định 131/2006/NĐ-CP quy định các Bộ (trong trường hợp là cơ quan chủ quản), Ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành đàm phán, ký điều ước quốc tế cụ thể về ODA. Thực tế cho thấy đối với các chương trình, dự án do địa phương là cơ quan chủ quản, trong nhiều trường hợp Bộ quản lý ngành không được mời tham gia đàm phán với nhà tài trợ về nội dung chương trình, dự án ODA mặc dù tiết b) Khoản 1, Điều 45 của Nghị định 131/2006/NĐ-CP đã quy định cụ thể các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan hữu quan trình Chính phủ về việc ký kết điều ước cụ thể về ODA cho chương trình, dự án thuộc lĩnh vực phụ trách.
3. Về việc theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, dự án:
Nghị định 131/2006/NĐ-CP quy định chế độ báo cáo: Chủ dự án có báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm gửi cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh nơi thực hiện dự án; Cơ quan chủ quản có báo cáo tổng hợp tình hình hàng quý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, không có quy định phải gửi cho Bộ quản lý ngành để theo dõi, đánh giá tình hình, nhất là đối với những dự án của các địa phương.
Chính vì vậy việc phân bổ sử dụng, theo dõi và quản lý nguồn vốn ODA hiệu quả chưa cao, một số dự án của các địa phương chưa được xem xét một cách kỹ lưỡng để phù hợp với chính sách, định hướng và kế hoạch, chương trình mục tiêu phát triển của Bộ quản lý ngành, nhiều dự án chưa phù hợp với mức độ ưu tiên, có tỉnh tập trung nhiều dự án ODA trong khi đó tỉnh khác khó khăn hơn lại chưa được ưu tiên hoặc nội dung đầu tư các hạng mục của dự án còn dàn trải hoặc thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng đúng mục tiêu của dự án được phê duyệt.
Bộ Xây dựng nhận thấy các dự án ODA không thể tách khỏi sự quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành. Quy trình, thủ tục thu hút và sử dụng ODA như hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu quy định mối quan hệ giữa đơn vị đề xuất dự án với cơ quan chủ quản và Bộ Kế hoạch và đầu tư, chưa quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ quản lý ngành, nhất là đối với những chương trình, dự án được chấp nhận tài trợ mà cơ quan chủ quản hoặc điều phối không phải là các Bộ.
Do đó, để việc thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA đạt hiệu quả cao hơn, cần có sự phối kết hợp ngay từ khâu đầu, tránh tình trạng phân tán, cục bộ, mạnh ai nấy làm, Bộ Xây dựng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Nghiên cứu, điều chỉnh quy trình và thủ tục vận động ODA để đảm bảo vai trò, trách nhiệm của Bộ quản lý ngành trong việc kiểm soát sự phù hợp với chính sách, định hướng phát triển ngành, thứ tự ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA.
2. Đối với những chương trình, dự án mà cơ quan chủ quản không phải là các Bộ quản lý ngành, việc tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về ODA cho chương trình, dự án thuộc lĩnh vực phụ trách của Bộ quản lý ngành nào thì phải có đại diện của Bộ đó tham gia.
3. Quy định rõ chủ dự án hoặc chủ quản dự án phải gửi Bộ quản lý ngành có liên quan các báo cáo tổng hợp về kết quả vận động ODA, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chương trình, dự án định kỳ theo quý, năm; báo cáo kết thúc và báo cáo về những thay đổi (nếu có).
Bộ Xây dựng kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VP, HTKT.
BỘ TRƯỞNG
đã ký
Nguyễn Hồng Quân