Thời điểm ghi trong Bảo lãnh dự thầu

Hỏi: Trong 1 cuộc đấu thầu, trong HSMT yêu cầu hiệu lực của đảm bảo dự thầu là 120 ngày, như thế tức là phải có hiệu lực kể từ thời điểm đóng thầu là từ 9h ngày 10/10/2009 đến 9h ngày 07/02/2010 (để đủ 120 ngày). Một Nhà thầu có bảo lãnh dự thầu của Ngân hàng với hiệu lực là 120 ngày. Nhưng ngân hàng lại ghi cụ thể là có giá trị từ 09 giờ ngày 10/10/2009 đến hết ngày 06/02/2010, so ra thì đến hết ngày 06/02/2010 vẫn còn thiếu 9 giờ (vì phải đến 09 giờ ngày 07/02/2010 mới đủ 120 ngày). Trong Mẫu bảo lãnh dự thầu nêu trong HSMT yêu cầu ghi thời gian có hiệu lực của bảo lãnh dự thầu có giá trị trong vòng 120 ngày kể từ 09 giờ ngày 10/10/2009 (thời điểm đóng thầu), còn việc liệt kê thêm thời gian đến hết ngày 06/02/2009 là do ngân hàng tự bổ sung thêm. Như vậy thì hồ sơ dự thầu này có vi phạm điều kiện tiên quyết của HSMT hay không? Trả lời: Theo Luật Đấu thầu (Điều 4 khoản 24) HSMT là căn cứ pháp lý để đánh giá HSDT, HSMT bao gồm các yêu cầu cho một gói thầu, có những yêu được gọi là yêu cầu quan trọng (điều kiện tiên quyết) để loại bỏ HSDT khi HSDT không đáp ứng dù chỉ 1 yêu cầu, có những nội dung trong HSMT được đánh giá bằng tiêu chuẩn đánh giá (dưới dạng thang điểm hoặc tiêu chí đạt/ không đạt). Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh dự thầu luôn thuộc các yêu cầu quan trọng của HSMT. Về phía cạnh thời gian thì bảo lãnh dự thầu gồm 2 nội dung: Thời điểm bắt đầu và quãng thời gian có hiệu lực. Trở lại tình huống nêu trên thấy như sau: - Về thời điểm bắt đầu: Bảo lãnh dự thầu của nhà thầu hoàn toàn đáp ứng vì có hiệu lực từ thời điểm đóng thầu là 9 giờ ngày 10/10/2009 (như yêu cầu nêu trong HSMT). - Về quãng thời gian có hiệu lực: theo mẫu HSMT yêu cầu là 120 ngày. Nếu tính chi ly theo toán học thì thời gian có hiệu lực của đảm bảo dự thầu của nhà thầu còn thiếu 9 giờ mới đảm bảo đủ 120 ngày (vì mỗi ngày có 24 giờ) Lập luận như vậy là không sai, nhưng tại NĐ 85/CP (Điều 2 khoản 8) đưa ra quy định linh hoạt hơn, cụ thể số ngày có hiệu lực của HSDT cũng như đối với đảm bảo dự thầu (ví dụ yêu cầu là 120 ngày) thì số ngày được tính từ ngày đóng thầu (từ thời điểm đóng thầu là 9 giờ tới 24 giờ của ngày đóng thầu (10/10/2009) đến 24 giờ của ngày cuối cùng có hiệu lực (ngày 6/2/2010) Căn cứ NĐ 85/CP, trong mẫu HSMT (MSHH, XL) do Bộ KH&ĐT ban hành (TT01/BKH, TT05/BKH) có đưa ví dụ: Khi thời gian có hiệu lực của HSDT là 30 ngày tính từ 10 giờ ngày 01/12 (thời điểm đóng thầu) thì nghĩa là HSDT của nhà thầu phải có hiệu lực trong 30 ngày nhưng tính từ thời điểm đóng thầu là 10 giờ (tới 24 giờ của ngày 1/12) tới 24 giờ ngày 30/12. Với quy định như vậy thì trong tình huống nêu trên HSDT đó có thời gian hiệu lực của đảm bảo dự thầu là đáp ứng yêu cầu của HSMT. Tuy nhiên để đơn giản thì trong HSMT và trong HSDT chỉ nên ghi “hiệu lực là x ngày (theo yêu cầu trong HSMT) tính từ thời điểm đóng thầu”. Đừng đưa ra mốc thời gian phức tạp gây ra những tranh luận không cần thiết. Đó cũng là khuyến nghị đối với các tổ chức ngân hàng khi đưa ra các bảo lãnh dự thầu.
  • TAG :

Danh mục

Loading...